Xin mặt trời ngủ yên

“Một ngày, ngày đã qua
Ôi một ngày, ngày chóng qua
Một chiều một ngày âm thầm đã
Ðã trôi đi không còn gì
Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè
Ngựa hồng đã mỏi vó
Chết trên đồi quê hương
Còn có ai, không còn người
Ôi nhân loại mặt trời và em thôi
Này đôi môi xin thương người
Ôi nhân loại mặt trời trong tôi

Một ngày, ngày đã qua
Ôi từng ngày từng xót xa
Một chiều, một ngày tay người đã
Thả mây bay cho đường dài
Sau chinh chiến ôi quê hương thần thoại
Thuở hồng hoang đã thấy
Ðã xanh ngời liêu trai
Còn có ai trên cuộc đời
Ôi nhân loại còn người và tôi thôi
Rồi lang thang như mây trời
Ôi nhân loại còn người trong tôi

Ðiệp khúc
Mặt trời đã ngủ yên, xin mặt trời hãy ngủ yên
Người hãy nhớ mang theo hành trang
Qua khoang trời vắng chân mây địa đàng
Người hãy nhớ mang theo hành trang
Qua khoang trời vắng chân mây địa đàng
Người hãy nhớ hãy nhớ hoài,
Người hãy nhớ hãy nhớ đời,
Người hãy nhớ hãy nhớ người
Hãy nhớ người
Hãy nhớ người
Hãy nhớ người”

Trịnh Công Sơn (TCS) được biết đến như một nhạc sĩ dân tộc. Có người cho rằng nhạc của anh là phản chiến làm suy yếu tinh thần chống cộng của dân quân miền Nam. Có người cho rằng anh ta chỉ là một nghệ sĩ mắc kẹt trong cuộc tranh chấp Quốc-Cộng.
TCS mất 2001, 25 năm sau ngày CS chiếm miền Nam và chúng ta có 20 năm để nhìn lại di sản của người quá cố và 45 năm sau khi chiến tranh chấm dứt để xét lại cuộc chiến và con người.
Thí dụ như bản nhạc “Xin mặt trời ngủ yên” thì có ai hiểu được điều gì không?
Ngoài ý nghĩa của lời hát thì người nhạc sĩ có ẩn dụ gì khác hơn?
Chắc là không.
Phải đến sau 1975, khi nhà văn Vũ Thư Hiên ra mắt “đêm giữa ban ngày” 1997 thì mới biết tại sao TCS “xin mặt trời ngủ yên”.
Vì mặt trời tượng trưng cho sức sống của muôn loài. Mặt trời cũng tượng trưng cho lãnh tụ vĩ đại cầm quyền sinh sát muôn dân. Mà dưới chế độ cộng sản thì giữa ban ngày cũng chỉ là đêm vì lãnh tụ đã biến ban ngày thành đêm tối qua đường lối cai trị tàn bạo.
Chính vì thế mà TCS xin mặt trời (lãnh tụ) hãy ngủ yên (hay chết) vì đã chết mà “tư tưởng vĩ đại” của Người còn hành hạ dân tộc hàng chục năm sau phải làm công, bán thân cho nước ngoài. Người dân sống trong nước thì bị ngoại nhân đến chà đạp mà đảng chẳng hề lên tiếng. Bán đất, bán dân chưa đủ; Người chết còn để lại di chúc cho bè lũ bán dân từ từ qua nhiều thế hệ; hủy hoại văn hóa, ngôn Việt; bán cả quốc tịch cho ngoại nhân; khi tàu hà hiếp người, cướp của ngoài biển thì quân đội Nhân Dân anh hùng im thin thít. Có lẽ Người (hay mặt trời) ngủ yên chưa đủ mà phải “nhớ mãi, nhớ đời ”
….
“Còn có ai, không là người?
[con người vẫn còn nằm đó nhưng hồn người không có]
Ôi nhân loại, mặt trời và em tôi
[giữa xã hội, nhân loại và lãnh tụ thì em tôi hay tôi không có lối thoát]
Này đôi môi, xin thương người
[đôi môi đã từng nói láo, lừa gạt dân tộc thì hãy vì tình người trên hết]
Ôi nhân loại, mặt trời, trong tôi”
[chỉ riêng tôi – người nghệ sĩ -ý thức nhưng làm sao nói ra được?]

“Thả mây bay cho đường dài”
[Mây là những gì mơ hồ mà đảng cộng sản đã hứa hẹn và dẫn dân tộc Việt đi trên con đường dài vô tận]

“Sau chinh chiến ôi quê hương thần thoại
[Cộng sản thường ca tụng cuộc kháng chiến thần thánh]
Thuở hồng hoang đã thấy
[đã đem lại kết quả cho miền Bắc sau 1954 và miền Nam sau 1975: trở về thời đồ đá, thời Hồng hoang]
Ðã xanh ngời liêu trai”
[Con người sợ xanh mặt khi xem truyện Liêu trai, ma quỷ nhưng lại là chuyện không có thật cũng như lời hứa hẹn thiên đường xã hội chủ nghĩa chỉ là giả dối, hoang đường]
….
“Người hãy nhớ mang theo hành trang
[Hành trang nào, tinh thần hay vật chất, để đi qua “nạn cộng sản”]
Qua khoảng trời vắng chân mây địa đàng”
[Làm sao để vượt qua khoảng trống về ý thức hệ để đến tận cuối trời (chân mây) mà thiên đường trên mặt đất sẽ do bạn chọn hay chỉ là giấc mơ hoang đường của cộng sản vẽ ra].

Bạn đang đọc: Xin mặt trời ngủ yên

… “Người hãy nhớ hãy nhớ hoài,
[Người dân Việt phải ghi nhớ nạn cộng sản mãi mãi]
Người hãy nhớ hãy nhớ đời,
[Ngày nào còn sống, còn thở là còn phải ý thức về nạn cộng sản]
Người hãy nhớ hãy nhớ người “
[Người dân nhớ Người nào? Nếu không phải là Người (lãnh tụ) đem lại điêu tàn, tang thương trên đất Việt? Vì cho tới nay VN vẫn chỉ có bạo chúa mà không hề có minh quân].

Định mệnh trớ trêu của TCS bị mang tiếng thân Cộng, phản chiến khi sống dưới chế độ Cộng Hòa nhưng khi Cộng Sản chiếm miền Nam thì TCS cũng vẫn bị coi như thành phần nguy hiểm và bị cô lập vì đảng nghi ngờ tinh thần dân tộc của TCS sẽ có ngày đe dọa chế độ cho dù không tìm ra bằng cớ trong lời nhạc của TCS tiềm ẩn những gì mà chỉ có người yêu đất nước, dân tộc mới cảm nhận được. Cho nên những người chống TCS chỉ là những người có tâm hồn cuồng loạn, thù hận, tàn bạo… thường mượn gió bẻ măng để đấu tố những người dân yếu đuối, hay những người nghệ sĩ cô đơn mà trong một xã hội hỗn loạn, bạo lực chiếm ưu thế thì đa số sẽ hùa theo để sống và kết tội người nghệ sĩ.
Đó là thảm trạng của dân tộc VN và cũng là của nhạc sĩ họ Trịnh.
Trần Công Lân
Tháng 11 năm 2021 (Việt lịch 4900)

Chia sẻ:

Thích bài này:

Thích

Đang tải …

Source: https://thevesta.vn
Category: Thế Giới