TRẢ LỜI Ý KIẾN CỬ TRI – CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH – Trang thông tin điện tử Đại biểu Nhân dân tỉnh Hà Giang

Câu hỏi:
Đề nghị UBND tỉnh rà soát việc hỗ trợ các chính sách của Nhà nước đảm bảo công bằng, đúng đối tượng như việc chi trả chế độ cho người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid -19

Trả lời:

Năm 2016 Trung ương hỗ trợ nhà ở cho người có công theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ là 26,4 tỷ đồng và từ năm 2017 cho đến nay trung ương không thực hiện hỗ trợ. Để tiếp tục hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, năm 2019 Tỉnh ủy đã chỉ đạo phát động Chương trình phát động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Qua 02 đợt phát động đến nay 100% hộ gia đình chính sách, CCB nghèo có khó khăn về nhà ở đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở (mức hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ).

Về hỗ trợ nhân dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong thời gian qua UBND tỉnh đã tích cực quán triệt và triển khai rà soát, xác định và phê duyệt danh sách các đối tượng được hưởng chế độ, đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Các gói hỗ trợ (theo Nghị quyết 42/NQ-CP và Nghị Quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ) đã kịp thời chia sẻ khó khăn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân; góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội và động viên, khích lệ người dân, cộng đồng doanh nghiệp khôi phục mạnh mẽ phát triển kinh tế – xã hội, bù đắp giá trị sản xuất bị sụt giảm trong các tháng đầu năm do ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Tính đến nay đã hỗ trợ cho 387.572 ngàn đối tượng với kinh phí là: 309,162 tỷ đồng. Để tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ, UBND tỉnh đã tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương làm tốt một số nhiệm vụ sau:

Tăng cường tuyên tuyền, phổ biến rộng rãi đến người dân và doanh nghiệp các chính sách của Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị Quyết số 154/NQ-CP, đặc biệt thực hiện tuyên truyền đến các xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố và đẩy mạnh việc xử lý hồ sơ đề nghị hỗ trợ qua dịch vụ công trực tuyến nhằm rút ngắn thời gian xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng trong quá trình xác nhận và phê duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

Tiếp tục chỉ đạo và hướng dẫn các cơ quan chuyên môn; Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã, các doanh nghiệp khẩn trương triển khai việc rà soát, thống kê các đối tượng hỗ trợ, xác định chính xác đối tượng, đảm bảo không trùng lặp cũng như xác định cụ thể thời điểm được nhận hỗ trợ, đặc biệt là đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm và lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thấp nghiệp, lao động bị ngừng việc, mất việc, hộ kinh doanh có doanh thu thuế dưới 100 triệu đồng.

Chỉ đạo thực hiện tốt công tác chi trả cho các đối tượng trực tiếp qua hệ thống Bưu điện, qua tài khoản ngân hàng của người dân và người lao động theo quy định; tiếp tục thực hiện chi trả trực tiếp tại hộ gia đình đối với nhóm đối tượng khó khăn; liên hệ thông báo đến các đối tượng không có mặt tại địa bàn đến nhận chế độ hỗ trợ.

Các ngành theo chức năng phối hợp tuyên truyền, thực hiện kiểm tra, thanh tra hoặc điều tra nếu có dấu hiệu vi phạm và lợi dụng để trục lợi chính sách; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để có hướng giải quyết, không để tình trạng bức xúc xảy ra.