CHÙA LONG HƯƠNG – CHÙA VIỆT

Chùa Long Hương toạ lạc tại Ấp Long Hiệu, xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Chùa do Thượng Tọa Thích Tuệ Hải  trụ trì. Chùa Long Hương được biết đến là quần thể chùa lớn có hệ thống cúng kiếng, lăng tẩm liên hoàn hiện đại nhất tỉnh Đồng Nai và được coi là “điểm hẹn tâm linh” không thể thiếu của người dân địa phương, mà còn là “nơi gửi niềm tin tín ngưỡng” của Phật tử thập phương cả nước.

Nét độc đáo của chùa Long Hương không phải tồn tại lâu đời so với hệ thống chùa trong tỉnh Đồng Nai theo dòng chảy của thời gian; mà là hoa văn kiến trúc mang tầm cỡ Đông Nam Á. Tất cả từ cổng, tường rào, mái chùa, cột, cách bày trí an toạ Đức Phật đều hết sức tinh tế và hiện đại. 

Ngôi Long Hương cổ tự đã có từ năm 1908 và vị Tổ khai sơn là Ngài Thượng Tâm Hạ Thường Năm 1945, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ngôi chùa đã bị cháy. Năm 1956, đệ tử của Tổ khai sơn là Hòa thượng Yết ma Thích Trí Ngộ đã kiến thiết xây dựng lại ngôi chùa này. Nhưng chỉ mới hai năm sau, năm 1958, ngôi chùa Long Hương lại bị cuộc chiến tranh tàn phá trọn vẹn. Năm 1992, những vị kỳ lão tại địa phương đã phát tâm thiết kế xây dựng lại ngôi chùa Long Hương và dâng cúng Hòa thượng Thích Thanh Từ .

Năm 1994, Hòa thượng Thích Thanh Từ đã cử Thầy  Thích Tuệ Hải làm trụ trì Chùa Long Hương. Từ khi đảm nhận công việc trụ trì ngôi chùa này, Thầy Tuệ Hải đã trùng tu lại ngôi chùa và đến nay đã hoàn thành một số công trình. Năm 1995, xây dựng bờ kè chống sạt lỡ dài 50 mét tại mặt tiền chùa. Năm 1996, xây dựng tôn tượng Đức Phật Thích Ca lộ thiên cao 14 mét trên ngọn đồi phía sau chánh điện chùa.

Theo  vị trụ trù ở chùa này, các hoạ tiết kiến trúc xây dựng vừa mang nét thân thiện nhân sinh theo văn hoá phương Đông, vừa bảo đảm nghiêm trang đậm giáo lý phật pháp. Để bá tánh, phật tử mỗi lần đến chùa đều cảm giác thoải mái về tư tưởng, “cởi trói” ưu phiền, anh minh về suy nghĩ tích cực, tinh tường về sự nhận biết. 

Màu xanh phật pháp

Khác với những ngôi chùa toạ lạc ở Đồng Nai, Long Hương là ngôi chùa có hệ thống cây xanh nhiều nhất. Ngay từ cổng chùa, là những cây xanh cao vút toả bóng mát như những chiếc ô khổng lồ để khách thập phương an tịnh sau chặng đường xa, hoặc sau những phút tịnh tâm dưới chân Đức Phật. 

Xen lẫn trong những ngôi chùa nhỏ, đường dốc hoặc lăng tẩm, là những cây thông thẳng đứng, những cây xoài trĩu quả mấy người ôm, và những bồn hoa luôn khoe sắc bốn mùa.

Sư cô Đàm Thuý cho biết, tất cả hệ thống cây xanh ở chùa này đều do các mạnh thường quân và nhân dân địa phương cúng chùa. Để cây xanh tươi tốt, mỗi ngày các ni sư thay nhau chăm bón. “Ngoài công việc tu luyện phật pháp, bổn phận của nhà chùa nói chung và tăng ni nói riêng đồng lòng chung sức xây dựng chùa thực sự là nơi an tịnh tinh thần, là điểm đến tâm linh tin cậy của đồng bào bá tánh phật tử khắp nơi. Dù hanh khô khắc nghiệt đến mấy, cây xanh trong chùa lúc nào cũng tươi tốt. Đây như sự ươm mầm, sự sống nhân sinh được nuôi dưỡng từ đức từ bi hoá thân trong nhân tâm mỗi người”.

Phía hậu chùa Long Hương, có những lăng mộ- nơi vĩnh hằng của nhà sư qua các đời trụ trì. Sỡ dĩ nhưng trụ trì đã viên tịch và được hạ thế ngay trong khuôn viên chùa, là để trụ trì kế nhiệm và thế hệ tăng ni phật tử sau tri ân những người đi trước, đặc biệt biết ơn những nhà sư tâm đức đã khai sinh ra ngôi chùa độc đáo và hiện đại này.

Có một điều “độc” khác, là ở đây nuôi chim bồ câu đến cả ngàn con. Trên lưng chừng cây xanh phía hậu chùa thấp thoáng những chuồng chim bồ câu lộ ra những ô cửa tròn đón ánh bình binh. Mỗi sớm tinh sương hừng đông đỏ ối hay hoàng hôn buông lặn phía chân trời, khi tiếng chuông chùa ngân nga giữa không gian thanh vắng, hàng ngàn con chim bồ câu rời tổ đi ăn, rồi trở lại chùa. 

Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và tu học cho Tăng Ni và Phật tử ngày càng đông tại Chùa Long Hương nên cần phải xây dựng thêm các công trình còn lại như: Thiền đường, Hậu tổ, Tăng đường, Trai đường, Nhà khách, cổng Tam quan và ngôi Đại Bảo Tháp 9 tầng cao 49 mét (tôn thờ Xá Lợi Phật và hài cốt của Chư Tăng Ni, và quý Phật tử).

Source: https://thevesta.vn
Category: Phật Pháp