Phát triển du lịch tỉnh Điện Biên trong giai đoạn mới và những vấn đề đặt ra đối với phát triển sản phẩm du lịch – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (ITDR)

Doi A1

1. Tổng quan du lịch tỉnh Điện Biên trong Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
1.1. Vị trí du lịch tỉnh Điện Biên đối với du lịch Tây Bắc, vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và cả nước
Tỉnh Điện Biên là cửa ngõ phía Tây Bắc của du lịch vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và du lịch Việt Nam.
Điện Biên nằm trên các trục giao thông quan trọng về đường bộ theo hướng Đông – Tây (QL6, 279); vòng cung Tây Bắc (QL6, QL12, QL4D, 4H…); đường hàng không nối với thủ đô Hà Nội. Từ Điện Biên có thể đi lại thuận tiện đến với các tỉnh đồng bằng sông Hồng, vùng núi phía Bắc Việt Nam, các tỉnh Thượng Lào và cầu nối đến các nước ASEAN.
Điện Biên được mệnh danh là “địa đầu” của Tổ quốc. Lãnh thổ tỉnh có phía Tây giáp CHDCND Lào và phía Bắc giáp CHND Trung Hoa, với nhiều cửa khẩu đường bộ như Tây Trang, Huổi Puốc – Na Son, A Pa Chải…, tạo thành cửa ngõ phía Tây của vùng và của Việt Nam với các nước ASEAN. Điện Biên nằm không gian hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS), vì vậy giữ vị trí quan trọng đặc biệt đối với vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và của cả nước về nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hoá, chính trị, quốc phòng và an ninh.
Đứng về góc độ du lịch, nhờ vị trí địa kinh tế chiến lược, du lịch Điện Biên nằm trên các hành lang du lịch quan trọng mang tầm quốc gia:
– Vòng cung phía Bắc: Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên – Lai Châu – Lào Cai – qua các tỉnh vùng Đông Bắc.
– Hành lang Đông – Tây: Dọc quốc lộ 279: Điện Biên – Lào Cai – Yên Bái – Tuyên Quang – Bắc Cạn – Thái Nguyên – Bắc Giang – Quảng Ninh.
– Hành lang trung tâm: Hà Nội – Điện Biên – Viêng Chăn (CHDCND Lào) dọc quốc lộ 6 và quốc lộ 279 (AH 13).
– Hành lang Bắc – Nam: Điện Biên Phủ – Mường Lay – Vân Nam (Trung Quốc) theo quốc lộ 12 có dự kiến đường sắt đi Côn Minh, Lệ Giang (Trung Quốc).
– Hành lang Tây – Bắc: Phong Sa Lỳ, U Đôm Say – Luông Pha Băng (CHDCND Lào) – Điện Biên Phủ – Mường Chà – Mường Nhé – Vân Nam (Trung Quốc).
Đây cũng là khu vực có nhiều tiềm năng nổi bật về du lịch sinh thái, du lịch văn hoá, văn hóa – lịch sử và du lịch biên giới. Vì vậy, Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam định hướng Điện Biên là một trong những trọng điểm phát triển du lịch của vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ nói riêng và cả nước nói chung.
1.2. Những giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch Điện Biên
Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đánh giá Điện Biên là một trong những địa phương có hệ thống tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng và nổi bật cả về tự nhiên và nhân văn.
Về tự nhiên: Điện Biên là một quần thể núi non hùng vĩ, địa hình hiểm trở với các dạng địa hình đan xen nhau rất phong phú và đa dạng là điều kiện lý tưởng để phát triển các khu, điểm du lịch sinh thái.
Bên cạnh đó, Điện Biên có đường biên giới quốc gia và hệ thống cửa khẩu đường bộ với CHDCND Lào, Trung Quốc là tiềm năng phát triển du lịch biên giới, trong đó cửa khẩu A Pa Chải với đặc thù ranh giới 3 quốc gia.
Về văn hóa: Điện Biên có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn nổi trội gắn liền với bản sắc văn hóa của các dân tộc vùng núi Tây Bắc và hệ thống di tích lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng.
Những giá trị nổi bật của di sản văn hóa Tây Bắc và di tích lịch sử Điện Biên Phủ ở Điện Biên có ý nghĩa to lớn về giáo dục, trải nghiệm; về tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu; về tâm linh.
2. Thực trạng và định hướng phát triển du lịch Điện Biên
2.1. Thực trạng phát triển du lịch
Trên cơ sở phát huy những lợi thế về tài nguyên và vị trí về du lịch, thời gian qua ngành du lịch tỉnh đã đạt được những thành quả nhất định. Cùng với tiến trình phát triển của du lịch cả nước, du lịch Điện Biên phát triển với tốc độ tăng trưởng nhanh và đã đạt được những thành tựu đáng kể, có những đóng góp nhất định trong sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và đối với sự phát triển du lịch chung của cả nước. Du lịch Điện Biên đang từng bước trở thành một trong những ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương.
Những kết quả đánh giá thông qua các chỉ tiêu về lượng khách, thu nhập và việc làm đã khẳng định vai trò của ngành du lịch đối với phát triển kinh tế. Ngành du lịch đã có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, bảo vệ môi trường và giữ vững quốc phòng, an ninh.
Năm 2015, du lịch Điện Biên đón trên 420 nghìn lượt khách (trong đó trên 70 nghìn lượt khách quốc tế), tăng xấp xỉ 1,4 lần so với năm 2010. Thu nhập từ du lịch đạt trên 550 tỷ đồng, tăng gần 3,7 lần so với năm 2010.
Các hoạt động du lịch, dịch vụ đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho trên 11,5 nghìn lao động, trong đó có 4,5 nghìn lao động trực tiếp. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành những điểm đến hấp dẫn khách du lịch như Điện Biên Phủ – Pá Khoang, Mường Lay, A Pa Chải…
Các sản phẩm du lịch gắn với loại hình du lịch sinh thái, tham quan cảnh quan, về lại chiến trường xưa, cộng đồng trải nghiệm văn hóa bản địa… đang từng bước được hình thành.
Tuy nhiên, trên bình diện quốc gia, du lịch Điện Biên phát triển vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập; nhiều khó khăn, trở ngại vẫn chưa có giải pháp thoả đáng; phát triển chưa có bước đột phá, kết quả chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương, tốc độ phát triển chung tuy nhanh nhưng kết quả cuối cùng vẫn thấp so với mặt bằng chung của cả nước.
Theo kết quả đánh giá 5 năm (2011-2015) thực hiện Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trên bình diện chung, du lịch Điện Biên đứng thứ 6/14 trong vùng và thứ 33/63 tỉnh, thành cả nước về khách du lịch quốc tế; 12/14 và thứ 56/63 tỉnh, thành cả nước về khách nội địa; thứ 8/14 trong vùng và thứ 38/63 tỉnh, thành cả nước về về tổng thu từ du lịch.
Có thể nêu ra rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng như trên. Tuy nhiên, yếu tố tiên quyết vẫn là sản phẩm du lịch. Có thể nhận thấy, sản phẩm du lịch Điện Biên tuy đã được hình thành nhưng còn mờ nhạt, nghèo nàn, chưa phát huy được hiệu quả của thế mạnh về tài nguyên, nên chưa đủ sức hấp dẫn và chưa thu hút khách du lịch.
2.2. Định hướng phát triển du lịch Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn 2030
Chính sách đổi mới, mở cửa và hội nhập của Việt Nam với việc gia nhập các tổ chức kinh tế khu vực và thế giới đã, đang và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế đối ngoại, trong đó có du lịch phát triển trong đó có du lịch Điện Biên.
Để nắm bắt những vận hội mới, hòa nhập với khu vực, trên cơ sở đánh giá về vị trí, tiềm năng và khả năng khai thác phát triển du lịch của tỉnh, du lịch Điện Biên thời kỳ mới phát triển với những định hướng chủ yếu sau:
1) Đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch, xây dựng du lịch Điện Biên trở thành trung tâm du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái, tâm linh và nghỉ dưỡng; điểm đến hấp dẫn, tạo sự khác biệt, có uy tín và sức cạnh tranh cao trong khu vực Tây Bắc và cả nước.
2) Đẩy mạnh phát triển lượng khách du lịch nội địa và tăng cường thu hút khách quốc tế gần (ASEAN, Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ):
– Phấn đấu đến năm 2020 tỉnh Điện Biên đón 870 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 220 nghìn lượt; Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 1.500 tỷ đồng.
– Đến năm 2025 đón 1,3 triệu lượt khách trong đó khách quốc tế đạt 300 nghìn lượt; Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 2.400 tỷ đồng.
– Đến năm 2030 đón từ 1,6 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 350 nghìn lượt; Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt trên 3.500 tỷ đồng.
– Đến năm 2030 tạo việc làm cho trên 35 nghìn lao động, trong đó có trên 10 nghìn lao động trực tiếp.
3) Tập trung khai thác phát triển các sản phẩm du lịch có chất lượng cao gắn với đặc trưng văn hóa Tây Bắc và các giá trị to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ để tạo dựng thương hiệu cho du lịch Điện Biên; đa dạng hóa bằng các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch biên giới để góp phần thu hút khách du lịch, mở rộng thị trường.
3. Những vấn đề đặt ra đối với phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Điện Biên trong giai đoạn phát triển từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2030
Có thể nhận thấy, so với thực trạng phát triển vừa qua, thì mục tiêu và định hướng phát triển du lịch Điện Biên trong giai đoạn mới mà Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam cũng như định hướng phát triển du lịch Điện Biên đề ra là một bước tiến đột phá, một thử thách đặt lên vai ngành du lịch của tỉnh trong giai đoạn mới. Để vượt qua được thử thách trên, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhiều nhiệm vụ. Tuy nhiên, phát triển sản phẩm du lịch vẫn là điều kiện tiên quyết. Du lịch Điện Biên cần xây dựng được hệ thống sản phẩm du lịch vừa có sự khác biệt, chất lượng, có sức hấp dẫn và tính cạnh tranh cao vừa phong phú và đa dạng về loại hình để thu hút ngày càng nhiều khách du lịch.
Chính vì vậy, vấn đề đạt ra đối với phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Điện Biên trong giai đoạn phát triển từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2030 mà ngành du lịch tỉnh Điện Biên cần quan tâm giải quyết bao gồm:
3.1. Tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao để tăng khả năng cạnh tranh và tạo dựng thương hiệu du lịch Điện Biên góp phần thu hút khách du lịch
Chúng ta đều biết, sức hấp dẫn, năng lực cạnh tranh của một điểm đến du lịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tuy nhiên với tư cách là một ngành kinh tế, yếu tố quan trọng nhất quyết định tính cạnh tranh của điểm đến là sản phẩm du lịch.
Tính hấp dẫn của một sản phẩm du lịch cùng loại có thể được xem xét từ nhiều góc độ, tuy nhiên trong mọi trường hợp tính khác biệt của sản phẩm là yếu tố có vai trò quan trọng hàng đầu đối với quyết định lựa chọn sản phẩm của khách du lịch cho dù giá sản phẩm có giá cao hơn.
Tính cạnh tranh, thu hút khách của một điểm đến phụ thuộc vào một số yếu tố cơ bản bao gồm: mức độ hấp dẫn dựa trên tính khác biệt của sản phẩm du lịch so với những điểm đến khác; tình trạng môi trường (bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội); sự thuận lợi trong tiếp cận điểm đến (thủ tục ra vào, phương tiện); và hình ảnh, thông tin về điểm đến.
Tính khác biệt của sản phẩm du lịch có thể được tạo ra bởi sự khác biệt về chất lượng (đối với những sản phẩm du lịch cùng loại), nhưng thường được thể hiện trong những sản phẩm du lịch đặc thù.
Sản phẩm du lịch đặc thù là sản phẩm có những đặc tính độc đáo/duy nhất, nguyên bản và đại diện về tài nguyên du lịch (tự nhiên và nhân văn) cho một lãnh thổ/điểm đến du lịch với những dịch vụ không chỉ làm thỏa mãn nhu cầu/mong đợi của du khách mà còn tạo được ấn tượng bởi tính độc đáo và sáng tạo.
Như vậy có thể thấy “phát triển sản phẩm du lịch đặc thù” mặc dù không phải là yếu tố duy nhất quyết định năng lực cạnh tranh, hấp dẫn du lịch của điểm đến nhưng lại có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, nếu không nói là quyết định bởi đó là “Sự khác biệt”.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định “Tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm, loại hình du lịch đặc trưng và chất lượng cao trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc, có thế mạnh nổi trội.”
Như vậy có thể thấy việc phát triển sản phẩm du lịch đặc thù đã được đặt ra như một nội dung chiến lược quan trọng xuyên suốt của du lịch Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch Việt Nam nói chung và của các địa phương trong đó có Điện Biên nói riêng trong quá trình hội nhập với khu vực và quốc tế.
Vậy sản phẩm du lịch đặc thù của Điện Biên là gì? Ở đâu?
Từ những đánh giá đặc điểm tài nguyên cũng như trên cơ sở việc xác định nhu cầu thị hiếu của khách du lịch, có thể xác định được 2 sản phẩm du lịch đặc thù mà du lịch Điện Biên cần tập trung khai thác phát triển:
– Khu du lịch Điện Biên Phủ – Pá Khoang là sản phẩm du lịch có thể tạo nên sự khác biệt, có sức cạnh tranh cao, tạo thương hiệu cho du lịch Điện Biên.
– Du lịch biên giới gắn với cột mốc A Pa Chải nơi tiếp giáp của 3 quốc gia là sản phẩm có sự khác biệt, có sức hấp dẫn nhiều đối tượng khách du lịch khác nhau góp phần mở rộng thị trường.
Đối với khu du lịch Điện Biên Phủ – Pá Khoang, quy hoạch đã xác định phát triển sản phẩm dựa trên các giá trị cốt lõi của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ hào hùng để tạo nên một “mốc son” về du lịch cho địa phương.
Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm khu du lịch Điện Biên Phủ-Pá Khoang không chỉ dừng lại ở mức độ tham quan, tìm hiểu, giáo dục mà cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm có tính trải nghiệm cao gắn với hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ, với Chiến sỹ Điện Biên (như kéo pháo, xe đạp thồ…), tạo cho du khách có cảm giác thực sự như được tham gia Chiến dịch.
Đối với du lịch biên giới A Pa Chải, ngoài việc tạo dựng hình ảnh “một điểm đến, ba quốc gia”, cần đề cao yếu tố tâm linh, nghiên cứu kết hợp du lịch thể thao, khám phá, mạo hiểm, caravan…
Việc tập trung phát triển 2 dòng sản phẩm du lịch trên sẽ đẩy mạnh được du lịch nội địa và mở rộng được thị trường quốc tế.
3.2. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch Điện Biên để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, kéo dài thời gian du lịch cũng như mở rộng thị trường
Bên cạnh việc tập trung phát triển sản phẩm đặc thù làm chủ lực, thì việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch cũng là vấn đề đặt ra cấp thiết cho du lịch Điện Biên.
Do nhu cầu của khách du lịch đến Điện Biên ngày càng đa dạng và do cuộc cạnh tranh quyết liệt trong việc thu hút khách nên các đơn vị, cá nhân tham gia kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh cần thường xuyên tiến hành việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới để sản phẩm du lịch ngày càng trở nên đa dạng.
Các dòng sản phẩm mới nhằm đa dạng thêm được xác định bao gồm các dòng sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Bắc và du lịch các sự kiện (như lễ hội Hoa ban, ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, lễ hội Đền Bản Phủ…).
Vì vậy, để xây dựng các dòng sản phẩm này, cần tập trung lồng ghép ngay trong khu du lịch Điện Biên Phủ-Pá Khoang cùng với việc mở rộng phát triển khu vực lòng hồ Mường Lay, đèo Pha Đin, Mường Nhé…
Ngay trong cùng một nhóm sản phẩm, cơ cấu các loại sản phẩm cũng rất phong phú. Chẳng hạn, đối với dịch vụ lưu trú, tuỳ theo sở thích và khả năng thanh toán, khách du lịch có nhiều lựa chọn về loại phòng hoặc loại hình lưu trú, họ có thể lựa chọn một loại phòng ngủ nào đó tại khách sạn cao cấp, hoặc tại khu vực cắm trại, hoặc tại nhà dân… Tour du lịch cũng cần được thiết kế theo nhiều loại khác nhau, có thể là tour chuyên đề (du lịch văn hoá, du lịch sinh thái, du lịch hội thảo, du lịch mạo hiểm…) hoặc tour tổng hợp, tour mở… Ngay tại một cơ sở kinh doanh, các dịch vụ cũng được đa dạng hoá. Tại một khách sạn, ngoài dịch vụ lưu trú còn có các dịch vụ khác như: dịch vụ ăn uống với nhiều loại hình nhà hàng, dịch vụ hội nghị, dịch vụ giải trí, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, dịch vụ chăm sóc trẻ em, bán hàng lưu niệm…
Sự đa dạng hoá sản phẩm du lịch được thực hiện không chỉ bằng cách tạo ra các dịch vụ riêng lẻ mới, mà còn tạo rạ các loại sản phẩm trọn gói mới, chẳng hạn, phát triển loại hình dụ lịch sự kiện đối với du lịch Điện Biên. Sự đa dạng hoá dịch vụ không những đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách du lịch, mà còn thu hút được nhiều đối tượng tham gia cung ứng các loại sản phẩm, giải quyết được nhiều việc làm, tăng lợi ích kinh tế cho các nhà đầu tư, các địa phương.
3.3. Tăng cường liên kết phát triển sản phẩm du lịch
Ngoài việc phát triển sản phẩm du lịch cho riêng mình, du lịch Điện Biên cần thực hiện tốt việc liên kết phát triển sản phẩm du lịch. Liên kết phát triển sản phẩm du lịch vừa góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch vừa khẳng định chất lượng và khả năng cạnh tranh cho du lịch Điện Biên. Các hướng liên kết phát triển sản phẩm du lịch Điện Biên được đặt ra như sau:
– Liên kết phát triển sản phẩm du lịch Tây Bắc để phát triển dòng sản phẩm du lịch đặc trưng vùng Tây Bắc như du lịch sinh thái và văn hóa.
– Liên kết phát triển dòng sản phẩm du lịch về lại chiến trường xưa với mục tiêu Khu du lịch Điện Biên Phủ-Pá Khoang vừa là điểm đầu, vừa là điểm nhấn, mốc son trong chuỗi sản phẩm du lịch gắn với lịch sử chiến trường.
3.4. Đẩy mạnh phát triển sản phẩm hàng hóa lưu niệm, đặc sản tự nhiên của tỉnh để góp phần thu hút khách du lịch
Bên cạnh với việc phát triển sản phẩm du lịch, ngành du lịch Điện Biên cần thiết phải đẩy mạnh việc sản xuất các mặt hành lưu niệm mang dấu ấn Điện Biên; các đặc sản tự nhiên (như rượu chít, tỏi 1 nhánh, gạo nương…) tại các làng nghề, các cơ sở dịch vụ du lịch cộng đồng; các vườn cây, hoa chuyên đề (như hoa ban, dã quỳ, anh đào…) tại các khu, điểm du lịch để góp phần làm hấp dẫn thêm khách du lịch.
Tóm lại, với mục tiêu và định hướng phát triển mang tính đột phá, việc tập trung xây dựng được sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao góp phần thu hút khách du lịch đến với Điện Biên cùng với việc đa dạng hóa sản phẩm, liên kết phát triển sản phẩm sản xuất hàng hóa lưu niệm, đặc sản… góp phần mở rộng thị trường là những vấn đề hết sức quan trọng đặt ra đối với ngành du lịch tỉnh Điện Biên trong giai đoạn phát triển trước mắt cũng như lâu dài ./.

minh hoa bai chu Hien 1

minh hoa bai chu Hien 2

TS.KTS Dương Đình Hiền – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

Source: https://thevesta.vn
Category: Sản Phẩm