– Lý Nhân Quả

CÁC BÀI

Bạn đang đọc: – Lý Nhân Quả

HỌC PHẬT

PHÚC TRUNG Huỳnh Ái Tông
PL. 2555

Lý nhân Quả

I.- Định nghĩa: Nhân là nguyên nhân, quả
kết quả. Nhân là công năng phát động, quả là sự hình thành của
năng lực phát động ấy. Nhân quả là một định luật tất nhiên, nêu rõ sự tương
quan, tương duyên giữa nhân và quả, phàm hể có một nguyên nhân tác động, tất
nhiên có kết quả hình thành. Do đó người ta thường nói trồng ớt thì được ớt,
trồng đậu thì được đậu
.

II.- Những đặc điểm về nhân quả:

1) Nhân quả là một định luật hiện thật: Định luật nhân quả
do đức Phật chỉ bày trên 2500 năm trước, sau nầy Khoa học cũng thừa nhận, áp
dụng một phần định luật nhân quả trong các ngành của khoa học.

2) Nhân quả chi phối tất cả: Mọi sự vật “có” đều
kết quả của nhân, cho nên nhân quả chi phối tất cả.

3) Nhân quả là một định luật rất phức tạp: Nhân đã có thì
quả phải thành nhưng đi từ nhân đến quả còn phải có duyên, nếu duyên thay đổi
thì quả phải thay đổi ít nhiều, cũng đồng thời trồng một giống lúa mà chỗ thời
trúng, chỗ thời thất, chỗ hột to, chỗ hột nhỏ, chỗ lúa mọc, chỗ lúa không mọc
… Định luật nhân quả rất phức tạp.

III.- Sự tương quan giữa nhân và quả:

1) Một nhân không thể sanh ra quả: Một sự vật trong vũ trụ
do nhiều nhân duyên hình thành, cho nên không có một nhân nào tự nó có thể tác
thành kết quả được nếu không có những nhân khác hổ trợ.

2) Nhân nào quả nấy: Chúng ta biết rằng trồng ớt thì được ớt
chớ không thể trồng ớt mà được đậu, một người làm lành sẽ gặp lành, làm dữ sẽ
gặp dữ.

3) Trong nhân có quả, trong quả có nhân: Nhân quả là một
chuỗi dài, quả hôm nay có là do nhân đã gieo từ trước và quả hôm nay cũng vừa
là nhân của quả ở vị lai. Ví dụ: Anh A giàu có, đang làm phước, cứu giúp những
người nghèo khó, gặp cảnh nạn tai. Vậy anh A hiện nay đang giàu có là quả của
nhân kiếp trước bố thí, cúng dường Tam bảo. Kiếp nầy anh lại làm phước
cũng là nhân để có quả giàu có cho kiếp sau.

4) Nhân có năng lực tạo thành hình tướng: Có gỗ, đinh (nhân),
cưa, búa, đục, công thợ (duyên) làm ra bàn ghế, đến khi gỗ hay đinh mục bàn ghế
hư hõng làm củi chụm lửa hay ném bỏ. Như vậy nhân không còn thì sự vật tan rã
theo luật khác: thành, trụ, hoại, không.

IV.- Sự liên lạc giữa nhân và quả:

1) Nhân quả đồng thời: Nhân vừa phát khởi, quả đi liền theo,
như đánh chuông liền nghe tiếng, như vậy quả theo liền với nhân chớ không đợi
thời gian lâu.

2) Nhân quả trong hiện tại: Chúng ta tạo nhân trong đời nầy
thì kết quả cũng trong đời nầy, chẳng hạn như trồng cây dừa ta được dừa có
trái, trong đời người ta ăn ở hiền thì gặp việc lành, ở ác gặp việc dữ.

3) Nhân quả nhiều đời: Nhân tạo từ đời trước hay những đời
trước, đời nầy đủ thuận duyên mới có kết quả, nhân tạo trong đời nầy chưa đủ
thuận duyên chưa có kết quả trong hiện tại, sẽ có kết quả ở kiếp sau. Có người
ăn hiền ở lành, luôn luôn gặp dữ, việc dữ ấy là do nhân đã gieo từ nhiều kiếp
trước nay có đủ duyên thành kết quả, còn việc ăn ở hiền lành trong kiếp nầy
chưa có đủ duyên hay còn phải bị trả những quả của kiếp trước rồi những kiếp
sau mới gặt được kết quả do kiếp nầy gieo, cho nên nhìn nhân quả theo khía cạnh
tức thời, không thể giải thích được luật nhân quả phức tạp như thế.

V.- Những thí dụ về nhân quả: Nhân quả là sự thật, tất nhiên mọi sự vật không ra khỏi định luật nhân quả.

1) Nhân quả nơi hiện cảnh: Nắng lâu ngày thành hạn hán, cây
cỏ thiếu nước sẽ tàn úa, chết. Mưa lâu ngày có nhiều nước sẽ thành nước lũ,
ngập lụt.

2) Nhân quả nơi tự thân: Thân thể là sự kết hợp của các tế
bào, bốn đại và năm uẩn, người khoẻ mạnh do ăn ở theo phép vệ sinh, điều độ.

3) Nhân quả nơi tự tâm: Trí thức con người cũng chịu sự chi
phối của định luật nhân quả, suy tư điều lành thì tâm tánh thuần thục, suy nghĩ
điều ác thì trí tưởng thấp hèn, học hành thì trí tuệ mở mang.

VI.- Sự ứng dụng lý nhân quả: Hiểu được định luật nhân quả, cố gắng thực hành theo thì có nhiều
lợi ích :

1) Lý nhân quả làm cho chúng ta thấy sự thật: Đức Phật dạy
cho người Phật tử biết định luật nhân quả để hiểu rỏ sự tương quan giữa nhân và
quả nhờ vậy chúng ta biết được sự thật không có sự vật nào có mà không do nhân
tạo ra, nhân đã tạo ra không sớm thì chầy phải có kết quả không thể sai khác
được.

2) Hiểu rõ định luật nhân quả, tránh mê tín dị đoan. Không tin
nơi thần quyền:
Định luật nhân quả nói rõ, hể gieo nhân thì có quả, những
hoàn cảnh tốt, xấu xãy ra cho bản thân hay gia đình ta không do Phật hay một
đấng thần quyền nào ban phước và giáng họa được, tất cả đều do ta gieo nhân từ
trước hiện tại chỉ là kết quả của nhân đó.

3) Người hiểu lý nhân quả không chán nản, trách móc: Hiểu rõ
lý nhân quả rồi, gặp những hoàn cảnh trái ngang, khổ đau chúng ta không chán
nản, trách móc, trái lại chúng ta hiểu rằng mình đã gieo nhân nay phải gặt quả,
không trốn tránh.

4) Người hiểu lý nhân quả luôn luôn ăn ở hiền lành: Hiểu
được nhân quả, tin được lời Phật dạy rồi, người Phật tử quyết chỉ làm lành, tu
nhân, tích đức mà thôi dù có gặp phải hoàn cảnh khó khăn nào.

VII.- Quyết Nghi: Nhiều trường hợp xảy ra, thấy có vẻ trái ngược, người ta không thật
tin vào định luật nhân quả. Chẳng hạn như :

1) Tại sao người ăn hiền ở lành gặp dữ, kẻ ăn ở độc ác gặp lành:
Ở đời người ta thường lấy những trường hợp nầy ra để so sánh, thật ra nhân quả
có khi xảy ra đồng thời, có khi chẳng xảy ra đồng thời. Đời trước gieo nhân đời
nầy mới thuận duyên có kết quả, đời nầy đã gieo nhân mà chưa đủ thuận duyên nên
chưa có kết quả, cho nên kẻ ăn hiền ở lành cững như kẻ hung dữ đã gieo nhân
nhưng mà duyên chưa đủ nên quả chưa tới. Người ta cũng vẫn thấy kẻ làm dữ gặp
dữ, kẻ tu nhân tích đức luôn luôn gặp lành.

Khoảng năm 1970, gần châu thành Long An, khu mộ Nguyễn Huỳnh Đức,
có một anh lính, là con bất hiếu, rượu chè be bét. Một hôm say rượu, về nhà tìm
người mẹ già, bà ta nghèo mà còn phải nuôi con dại của anh ta, bảo mẹ đưa tiền
cho anh ta mua rượu uống, bà mẹ không có tiền đưa, anh ta xách dao rượt mẹ,
trời đang mưa, bà mẹ chạy băng qua cánh đồng, anh ta rượt theo, “trời
trồng”
anh ta ở thế đang cầm dao rượt mẹ. Người ta không thể nào hạ
anh ta nằm xuống, đành phải xây mộ đứng, âu cũng là để làm gương cho những kẻ
bất hiếu, hung tàn, bạo ngược ở đời nay. Báo chí Sàigòn thời đó có đăng tin
nầy.

Người xưa có câu :

 Thiện
ác đáo đầu chung hữu báo,
Chỉ tranh lai tảo dữ lai trì.

Nghĩa là : Việc lành hay việc dữ đều có quả báo, chỉ khác nhau đến sớm hay muộn mà thôi.

2) Có những việc: Tại sao cha làm con chịu hay con làm cha chịu
liên can?
Theo Phật dạy thì nghiệp báo có hai thứ : Biệt nghiệp và cọng
nghiệp. Biệt nghiệp là nghiệp riêng của từng người, như kẻ giàu, người nghèo
… Còn cọng nghiệp là nghiệp chung của mọi người, chẳng hạn như nhiều người
Việt nam đã phải rời bỏ quê hương để ra nước ngoài sau năm 1975. Cho nên sách
có câu:

Nhất nhơn tác phước, thiên nhơn hưởng,
Độc thọ khai hoa, vạn thọ hương.

Nghĩa là : Một người làm phước, ngàn người được hưởng, một cây trổ hoa nghìn cây được thơm lây.

VIII.-Kết luận:
Lý nhân quả là một định lý tất nhiên, mọi sự vật cấu thành, mọi hoàn cảnh
phước, họa, sang, hèn, vinh, nhục đều do nhân quả mà ra, hiểu rõ nhân quả để
chúng ta gắng tu học, ăn hiền ở lành, gieo nhân tích đức, chẳng những cho mình
cho còn cho con cháu mình hưởng, chúng ta phải tinh tấn làm theo lời Phật dạy:

Chư ác mạc tác,
Chúng thiện phụng hành,
Tự tịnh kỳ ý,
Thị chư Phật giáo.

Nghĩa là :

Đừng làm các điều ác,
Các điều thiện nguyện làm,
Tự thanh tịnh ý mình,
Ấy lời chư Phật dạy.

Ngày ngày tinh tấn trong tu học, được như vậy, tất cả chúng ta đang đi nhanh trên con đường giải thoát, làm cho tốt đạo đẹp đời, phải có lòng tin vững mạnh nơi lý nhân quả.

Louisville, 28-9-1996

Sách tham khảo :

Minh Châu, Thiên Ân,
Chơn Trí, Đức Tâm Phật Pháp Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam xuất bản,
Sàigòn, 1951.
Thích Thiện Hoa Phật Học Phổ Thông THPGTP HCM, Việt Nam. 1989

Source: https://thevesta.vn
Category: Phật Pháp