ẨM THỰC VIỆT NAM VÀ TIẾP BIẾN VĂN HÓA PHƯƠNG TÂY

Văn hóa ẩm thực Việt Nam Việt Nam tiếp xúc với ẩm thực phương Tây qua con đường áp đặt bởi sự xâm lược nhưng sau đó, người Việt đã tiếp thu và chọn lọc, Việt hóa các yếu tố bên ngoài để làm phong phú, đa dạng nền ẩm thực dân tộc, đưa hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam đến gần với bạn bè năm châu.
“Giao lưu và tiếp biến văn hóa xảy ra khi những nhóm người cộng đồng dân tộc có văn hóa khác nhau tiếp xúc với nhau tạo nên sự biến đổi về văn hóa của cộng đồng dân tộc đó”. Văn hóa Việt Nam giao lưu với văn hóa thế giới một cách tự nguyện và chủ động góp phần đưa văn hóa ẩm thực Việt Nam đến gần với nền ẩm thực thế giới. 

Nguồn nguyên liệu phong phú
Những giống cây trồng, vật nuôi của phương Tây du nhập vào Việt Nam chủ yếu được trồng ở những vùng có khí hậu mát mẻ như Đà Lạt, Sapa… Các loại nguyên liệu như khoai tây, cà rốt, bắp cải, hành tây, củ dền, đậu Hà Lan, măng tây, dâu tây, quả phúc bồn tử, các giống xà lách Pháp… đã trở thành những cái tên không thể thiếu trong các món ăn của Việt Nam.

Về thức uống, Việt Nam nổi tiếng với việc trồng và xuất khẩu cà phê, đây cũng là một loại cây trồng có xuất phát điểm từ Phương Tây. Từ xuất phát điểm này, hiện nay thế giới không thể không nhắc đến cái tên cà phê Việt Nam với sự yêu mến vì hương vị đặc trung và thơm ngon. Ngoài cà phê thì sữa bò, rượu vang cũng được xem là những thức uống rất Tây, được chế biến từ nguồn nguyên liệu được du nhập từ phương Tây: bò sữa tại các cao nguyên và nho ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

Món ăn và các chế biến đa dạng
Sự tiếp biến của ẩm thực Việt Nam với ẩm thực Phương Tây để hiện qua các món ăn du nhập vào nước ta được chế biến lại hoặc kết hợp với các nguyên liệu truyền thống tạo nên các món ăn mang đậm hương vị Việt Nam. Ta không thể nào không kể đến một số món như:
Bánh mì: Bánh mì phương Tây thường có dạng vuông hoặc tròn với các nguyên liệu như bơ, sốt mayonnaise, trứng opla, hành tây, xà lách… còn khi du nhập vài Việt Nam lại được biến tấu thành ổ dài với các nguyên liệu Tây, ta kết hợp như pa tê, chả lụa, thịt nướng, dưa chua, hành lá, phá lấu, xíu mại… Không phải ngẫu nhiên mà bánh mì Việt Nam lại lọt top những món ăn đường phố ngon nhất, có lẽ chính là vì sự khác biệt với các loại bánh mì khác trên thế giới, sự tiếp thu và làm mới món ăn một cách rất Việt Nam.

Salad: Salad là món ăn khai vị với tác dụng kích thích vị giác không thể thiếu của người phương Tây gồm các nguyên liệu rau củ, trái cây, thịt xông khói, hải sản… và nước sốt phù hợp với nguyên liệu chính. Nhiều người cho rằng các món gỏi của Việt Nam được phát triển từ salad với các nguyên liệu truyền thống tạo nên nét riêng cho ẩm thực Việt Nam như: gỏi ngó sen tôm thịt, gỏi bưởi, gỏi hải sản, gỏi khô bò…

Gỏi ngó sen tôm thịt hấp dẫn
Các loại súp: súp là món ăn nhẹ của Châu Âu, khi du nhập vào Việt Nam thì được tối giản bớt các nguyên liệu và gia vị, tận dụng các nguyên liệu truyền thống của quê hương như các loại hải sản, các loại nấm, rau củ, nước dùng từ xương heo, bò, gà… và đặc biệt không dùng phương pháp xay nhuyễn như ở Phương Tây.

Thức ăn nhanh: Nếu như trước đây các loại thức ăn nhanh, đặc biệt là các loại đồ hộp thường được nhập khẩu thì hiện nay nước ta đã có thể tự sản xuất như xúc xích, giăm bông, phô mai, thịt xông khói, cá hộp, thịt hộp… để sử dụng cho bữa ăn gia đình thêm tiện lợi và nhanh chóng. Các cửa hàng, các thương hiệu thức ăn nhanh được mở rộng thị trường tại Việt Nam, rất được giới trẻ, giới văn phòng ưa chuộng. Các thương hiệu món ăn thuần Việt cũng học hỏi mô hình này để phát triển và thu hút thực khách hơn.

Các món tráng miệng và thức uống: Kem tươi được biêt đến như một món giải khát mùa hè thông dụng tại các quốc gia phương Tây, trên cơ sở này, người Việt đã chế biến thành nhiều loại kem khác nhau rất ngon miệng mang đặc trưng nguyên liệu Việt Nam như kem chuối lát, kem đậu các loại, kem mít, kem nhãn…
Các dòng bánh ngọt, bánh mặn, bánh lạnh của phương Tây hiện nay cũng đã trở thành một phần của văn hóa ẩm thực Việt Nam. Người Việt sử dụng các món bánh này cho các bữa ăn nhẹ, các dịp lễ tiệc hay dùng kèm các loại thức uống như trà, sữa…

Các loại thức uống có nguồn gốc phương Tây đã làm phong phú thêm những loại thức uống tại Việt Nam như cà phê, bia, sữa, rượu vang, nước ép trái cây, sinh tố, các loại thức uống đá xay… Điểm đặc biệt của quá trình du nhập các loại thức uống này là khi nguồi Việt biết cách tận dụng các loại trái cây nhiệt đới như sầu riêng, thanh long, nhãn, chôm chôm, dưa gang, bơ… để kết hợp và sáng tạo nên các tên gọi khác rất mới lạ dựa trên nền công thức và cách phối trộn nguyên liệu đồ uống phương Tây.

Cách trang trí và trình bày món ăn
Ngoài việc ảnh hưởng trong nguyên liệu, các món ăn thì văn hóa ẩm thực Việt Nam còn ảnh hưởng từ văn hóa ẩm thực phương Tây trong cách trang trí tối giản và ngẫu hứng với các nguyên liệu, các loại sốt, kèm theo đó là việc sắp xếp thứ tự các món ăn trong các bữa tiệc với món khai vị, món chính và món tráng miệng kèm theo đồ uống khi dùng bữa. Người Việt còn linh hoạt dùng nĩa, muỗng, ăn theo khẩu phần như người phương Tây.

Văn hóa của mỗi dân tộc chính là chiếc cầu nối dân tộc đó với thế giới và văn hóa ẩm thực chính là một con đường ần gũi nhất để giao lưu và hòa nhập. Từ những khía cạnh trên ta có thể thấy được sự tiếp nhận và phát triển văn hóa ẩm thực dưới góc nhìn tiếp biến văn hóa.
Sự khác nhau của nền ẩm thực mỗi đất nước, mỗi châu lục nằm ở sự khác biệt về điều kiện tự nhiên và văn hóa. Tiếp xúc, tiếp biến văn hóa trong ẩm thực sẽ mang lại nhiều điều thuận lợi và giúp ta học hỏi những điểm tốt, điểm độc đáo của nền ẩm thực từ khắp nơi trên thế giới, mang lại những công thức mới, nguyên liệu mới, cách phối hợp nguyên liệu và phương pháp chế biến mới giúp món ăn ngon hơn, bổ dưỡng hơn. Bánh mì Việt Nam là một ví dụ điển hình. Nếu không có nền tảng, cảm hứng từ những chiếc sandwich, hamburger và công thức cốt bánh chuẩn thì không thể có được món ăn đường phố ngon nhất thế giới mang thương hiệu Việt Nam. Hy vọng rằng sẽ có nhiều hơn những món ăn chuẩn Việt được đưa vào danh sách những món ăn ngon nhất thế giới để để ẩm thực Việt Nam đến gần hơn với thế giới và được biết đến nhiều hơn.
 

Source: https://thevesta.vn
Category: Ẩm Thực