Năm 2018: Dấu ấn trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội

Năm 2018 : Dấu ấn trong hoạt động giải trí tín dụng thanh toán chính sách xã hội

Mai Lâm

 
Với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), năm 2018 là một năm đặc biệt thành công với nhiều thành tựu lớn, là điểm sáng của ngành Ngân hàng Việt Nam. Đây là năm có bước chuyển nổi bật trên mọi mặt hoạt động nghiệp vụ, cả về chiều sâu chất lượng phục vụ và thể hiện vững vàng là công cụ kinh tế hữu hiệu của Nhà nước nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện phát triển kinh tế – xã hội gắn với giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

Năm hoạt động đặc biệt thành công của NHCSXH
Thông tin với báo chí ngày 16/01/2019, bà Trần Lan Phương, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH cho biết, tính đến 31/12/2018, tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt 194.420 tỷ đồng, tăng 19.038 tỷ đồng so với năm 2017; tổng dư nợ đạt 187.792  tỷ đồng, tăng 16.003 tỷ đồng so với năm 2017, tốc độ tăng trưởng đạt 9,3%, hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2018. Nguồn tín dụng cho vay mới đạt 62.078 tỷ đồng, tăng 6.964 tỷ đồng so với năm 2017, với gần 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang được vay vốn.
Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; góp phần hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho trên 243 nghìn lao động; giúp gần 6 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; gần 51 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 1,3 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng gần 30 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, hơn 2,8 nghìn căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP…
Tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a  của Chính phủ, doanh số cho vay đạt 6.121 tỷ đồng, với gần 185 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại các huyện nghèo đạt 20.309 tỷ đồng, với gần 595.000 khách hàng còn dư nợ. Dư nợ bình quân một huyện nghèo hiện nay đạt trên 239 tỷ đồng/huyện.
Trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, doanh số cho vay tại các xã Nông thôn mới trên toàn quốc đạt 37.963 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 61%/tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng tại NHCSXH; tổng dư nợ đến 31/12/2018 đạt 118.695 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 63,2%/tổng dư nợ. Trong năm 2018, tại các xã xây dựng nông thôn mới có gần 1,4 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác đã được vay vốn NHCSXH. Đến hết năm 2018, cả nước có 3.838 xã (43,02%) số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 769 xã (8,62%) so với cuối năm 2017.
Song song với việc thực hiện xuất sắc chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị tại cơ sở, NHCSXH luôn chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Nhờ đó, đến 31/12/2018, nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,78% tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,39%, thấp nhất trong toàn hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam hiện nay. Điều đó cho thấy, chất lượng tín dụng được đảm bảo, quy trình cho vay và đối tượng cho vay được NHCSXH thực hiện nghiêm túc, vốn cho vay được cộng đồng người nghèo sử dụng hiệu quả, tạo niềm tin lớn trong xã hội.
Hoàn thành cơ bản chỉ tiêu chương trình cho vay nhà ở xã hội trong năm đầu tiên triển khai
Năm 2018 là năm đầu tiên triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội (NOXH) theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, NHCSXH được ngân sách nhà nước cấp 500 tỷ đồng, cùng với 50% do NHCSXH tự huy động được Trung ương cấp bù lãi suất đã tạo nguồn vốn cho vay trong năm 2018 là 1.000 tỷ đồng. Ngay sau khi được cấp vốn, NHCSXH đã chỉ đạo các chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố, Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện tích cực, khẩn trương báo cáo Ủy ban nhân dân, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp tham mưu phân giao chỉ tiêu nguồn vốn, đồng thời phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác triển khai thực hiện đến tất cả các địa bàn xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Đến 31/12/2018 đã có 59 tỉnh, thành phố thực hiện cho vay, cơ bản hoàn thành kế hoạch được giao, với 2.832 khách hàng đang dư nợ. Trong đó các chi nhánh triển khai cho vay tốt như: thành phố Hà Nội 62 tỷ đồng, Hà Tĩnh 54 tỷ đồng, Khánh Hòa 52 tỷ đồng, Quảng Nam 50 tỷ đồng, thành phố Đà Nẵng 50 tỷ đồng, Hưng Yên 33 tỷ đồng, Thanh Hóa 30 tỷ đồng, Bắc Giang 30 tỷ đồng, Bắc Ninh 26 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 20 tỷ đồng, Quảng Bình 20 tỷ đồng.
Năm 2019, nguồn vốn dự kiến cho chương trình cho vay NOXH là 1.326 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước bố trí số vốn 663 tỷ đồng, cùng với 50% do NHCSXH tự huy động.
Hội đồng quản trị NHCSXH đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mức lãi suất cho vay ưu đãi năm 2019 đối với các đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP là 4,8%/năm, trong thời gian sớm nhất Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Quyết định mức lãi suất cho vay ưu đãi năm 2019 để NHCSXH thực hiện.
 Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội
Sau hơn bốn năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đến nay, nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn đạt 8.000 tỷ đồng, riêng năm 2018 tăng 2.764 tỷ đồng so với cuối năm 2017, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đến 31/12/2018 đạt 11.809 tỷ đồng – mức tăng lớn nhất trong 16 năm qua.
Để đẩy mạnh triển khai hiệu quả tín dụng chính sách trên địa bàn theo Chỉ thị 40, Ban điều hành NHCSXH đã chủ động làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố. Từ đó, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH, đặc biệt, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Qua thực tiễn triển khai, Chỉ thị 40 đã đi sâu vào cuộc sống, tạo tác động mạnh mẽ, tích cực, làm chuyển biến nhận thức của chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã có sự nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Nguồn vốn ủy thác của ngân sách địa phương cũng đã giúp cho NHCSXH chủ động hơn về nguồn vốn, giảm bớt sự phụ thuộc đối với ngân sách Trung ương trong bối cảnh ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn. Với quy mô nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH để thực hiện cho vay, chính quyền địa phương đã tích cực vào cuộc cùng với NHCSXH trong công tác quản lý việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách. Nhờ đó, hiệu quả của nguồn lực địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói chung và hoạt động của NHCSXH nói riêng đã có một sự thành công vượt trội.
Có thể nói, năm 2018, hoạt động NHCSXH đã để lại dấu ấn tích cực, là điểm sáng trong hoạt động tín dụng chính sách. Điều đó đã được Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá tại Báo cáo số 1654/BC-UBVĐXH14 ngày 10/10/2018 về kết quả 02 năm (2017-2018) thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội: “Hoạt động tín dụng chính sách tiếp tục khẳng định hiệu quả thiết thực và là điểm nhấn trong công tác giảm nghèo, nguồn vốn tín dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được tăng cường từ nhiều nguồn đa dạng…”.
 
(Tạp chí Ngân hàng số 2+3/2019)