Kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách tại tỉnh Hà Nam

BNEWS
Ngày 15/4, đoàn kiểm tra, giám sát Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam có buổi làm việc với Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam về tình hình hoạt động tín dụng trên địa bàn.

Theo bà Lê Thị Kim Dung, Phó Giám đốc phụ trách chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam, từ đầu năm 2021 đến nay, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, triển khai nhiệm vụ chuyển tải vốn tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn.

 

Tính đến ngày 31/3/2022, tổng nguồn vốn đạt hơn 2.331 tỷ đồng; số khách hàng còn dư nợ là hơn 46.000 khách hàng; tổng nợ quá hạn là hơn 3,9 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,17%. Chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn ngày càng được nâng cao, đến nay, toàn tỉnh có 1.382 tổ tiết kiệm và vay vốn.
Năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, chất lượng tín dụng chính sách tại chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam và 6/6 phòng giao dịch huyện đạt loại tốt.

Hoạt động giao dịch tại điểm giao dịch xã được thực hiện tốt đáp ứng yêu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách đến giao dịch. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách góp phẩn giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giai đoạn 2016-2020 từ 5,81% xuống còn 1,55%.
Trong năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hơn 11.700 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, phục vụ an sinh xã hội; đầu tư mới, cải tạo hơn 19.700 công trình nước sạch và vệ sinh; tạo việc làm ổn định cho 2.600 lao động…
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Hà Nam cũng còn những khó khăn, tồn tại đó là: còn 30 tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại yếu và trung bình do có tỷ lệ nợ quá hạn cao và lãi tồn đọng của các món vay nợ quá hạn nhiều.

Hiện nay, nguồn vốn hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của nhân dân trên địa bàn. Việc tuyên truyền, vận động và kiểm tra giám sát của một số tổ chức hội cấp xã chưa đạt hiệu quả, chất lượng…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thượng tướng Phạm Hồng Hương, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã đánh giá cao những kết quả đạt được của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam, đồng thời đề nghị thời gian tới, Ban đại diện các cấp của tỉnh Hà Nam tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; thực hiện kiểm tra, giám sát theo đúng kế hoạch nhằm nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của ngân hàng chính sách xã hội và hoạt động tín dụng chính sách để có các biện pháp chỉ đạo phù hợp hoặc đề xuất, kiến nghị cấp ngành liên quan.
Bên cạnh đó, tập trung làm tốt việc thu hồi nợ đến hạn, tổ chức triển khai giải ngân kịp thời, đúng quy định các chương trình tín dụng; đặc biệt trập trung triển khai nhanh chóng, đúng quy định các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ; tỉnh, huyện bổ sung ngân sách cho hoạt động tín dụng chính sách.
Ông Nguyễn Anh Chức, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam đã nghiêm túc tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của đoàn kiểm tra, giám sát; đồng thời đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm, bổ sung nguồn vốn cho chương trình hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của các hộ dân trên địa bàn; nâng mức cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Trước đó, đoàn công tác đã kiểm tra, giám sát thực tế hoạt động tín dụng chính sách tại xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng; làm việc với Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kim Bảng./.