Sự thật về câu chuyện Tấm Cám (16+)
Câu chuyện được sưu tầm từ facebook tác giả Phan Việt
Phần 1: Hãy đặt tên con là Tấm
“Kẽo cà kẽo kẹt
Dám tranh chồng chị
Chị khoét mắt ra…”
Trong một căn nhà rơm lụp xụp, có ba người đang đứng dưới bóng đèn dầu. Những cơn gió mùa thổi qua thê lương, làm lạnh thêm cái không gian ảm đạm. Người đàn ông ngồi bên cạnh giữa, nhìn vợ mình nằm mệt mỏi, tay giữ bụng bầu.
“Không còn cách nào sao?” – Người đàn ông hỏi
Người đàn bà còn lại lắc đầu. Tay thị cầm lá bùa màu vàng. Dưới ánh dầu mập mờ, những hán tự đỏ nổi lên như máu.
“Con hai vợ chồng đã nhiễm vong quá nặng. Căn nhà này có ác linh, trong quá trình thành hình người, đứa bé đã bị phá mất phần căn. Chỉ sợ sinh ra…”
Người đàn ông nhìn vợ mình, ở phần rốn là tâm của những đường máu màu đen. Tay ông nắm chặt lại…
“Tuy vậy, vẫn còn một cách.” – Người đàn bà đang đứng nói
Người đàn ông ngẩng đầu lên.
“Tuy căn đã bị phá, nhưng cốt vẫn còn. Khi đứa bé sinh ra, lập tức phải yểm bùa. Giữ lại phần hồn, triệt đi ma khí. Nhưng quá trình này sẽ làm vong phản ứng dữ dội. Thị đây có thể bị nguy hại.”
Người đàn bà trên giường mồ hôi đầm đìa, hơi thở mệt nhọc. Thị quay sang nhìn chồng. Khẽ gật đầu. Người chồng nắm chặt tay vợ. Dồn chút lực còn lại, người vợ bật ra tiếng nói khe khẽ:
“Nếu… tôi có mệnh hệ gì… hãy đặt tên con là… Tấm”
Phần 2: Chị hụp cho sâu, kẻo về mẹ mắng
Tấm càng lớn càng xinh.
Mười sáu tuổi trăng tròn, Tấm dần bộc lộ ra vẻ đẹp của mình. Làn da trắng ngần, đôi môi đỏ, tóc đen dài mượt. Dù vậy, ai cũng thấy ở Tấm một sự nhợt nhạt đến kì lạ. Tấm xinh đẹp nhưng thiếu sinh khí, cơ thể yểu điệu như cành mai, cảm tưởng như chỉ cần bẻ nhẹ là mọi thứ gãy răng rắc.
Cám, trái lại, hay nói, hay cười. Năng động hoạt bát. Cám không được đẹp như Tấm, nhưng lại được cái nét duyên mà ai cũng quý.
Một hôm hai chị em rủ nhau đi bắt tép. Cám chạy nhảy tung tăng đi trước. Tấm im lặng đi sau.
Đến nơi, Cám nhảy xuống nước mà nghịch. Tấm ở trên bờ, nhìn lên bầu trời, mới ba giờ chiều mà đã có trăng tròn. Bầu trời tựa như màu xanh lá nhàn nhạt, mang vẻ u sầu chết chóc.
Cám đang nghịch thì nhìn thấy bóng trăng phản chiếu trước mặt. Quay về phía Tấm, cô thấy Tấm đang đứng nhìn trăng và vuốt nhè nhẹ tóc.
Tấm ánh mắt vô hồn nhìn trăng. Trăng hôm nay thanh quá. Miệng tấm bắt đầu lẩm bẩm khe khẽ, thứ tiếng nghe như tiếng Tàu. Tấm vốn đâu có biết tiếng Tàu?
Rồi đất động đậy, nước sủi bọt. Một cảnh tượng kinh hoàng diễn ra. Trên mặt đất, hàng ổ giun đất trồi lên quằn quại. Con nào con ấy béo mầm, bò lổm ngổm dưới chân Tấm. Dưới mặt hồ, những con tép xám ngoét nổi lên đỏng thành từng mảng dày đặc, tần tầng lớp lớp.
Cám nghẹn giọng, tay chân bủn rủn.
Tấm từ từ nhìn Cám.
“Em có ngụp đầu
Thì ngụp cho sâu…”
Cám bật khỏi mặt nước, băng qua cánh rừng. Về đến nhà thất thần. Mẹ hỏi mãi mới dám kể lại.
Người đàn bà – mẹ Cám nghe xong, lắc đầu. Thị mở tủ, trong đó có một chiếc hộp có hình bát quái. Mở ra có một chiếc gương chiếu yêu, và một chiếc yếm đỏ.
“Giờ mẹ phải đi có việc, con đợi ở nhà mặc chiếc yếm này, tuyệt đối không đợi bỏ ra.”
Nói xong, thị cầm chiếc gương chiếu yêu vội đi vào rừng, hướng về phía Tấm.
Bạn đang đọc: Sự thật về câu chuyện Tấm Cám (16+)
Phần 3: Bống bống bang bang… bống ăn xương trắng đám tang…
Thủa ấy trong làng bỗng dưng xuất hiện tin đồn về một loài thủy quái. Những người bắt cá trong làng kể vể những tiếng động kì lạ buổi đêm. Tiếng mặt nước lõm bõm rồi tạt lên ào ào như gió rít.
Một đứa trẻ nghịch nước đã bị cắn mất nửa bàn chân.
Tấm ngồi trong phòng. Nhớ về hôm ấy đi bắt tép với Cám rồi bị ngất ở bờ hồ. Cô chỉ nhớ mẹ Cám đã đưa cô về, chuyện còn lại ra sao, cô không nhớ nữa.
Nửa đêm, bỗng có tiếng lõm bõm tại giếng nước sau nhà. Tấm giật mình. Cô sợ. Chẳng lẽ thuỷ quái có ở giếng nước nhà mình?
Cô co người lại, run rẩy.
Nhưng trong đầu cô có một giọng nói: “Đừng sợ… Ta là bụt đây… Con cá đó… Vốn là của con…”
Giọng nói văng vẳng trong phòng. Giọng nói chi phối cô. Giọng nói khiến cô mở cửa, bước ra sân sau…
Trong ánh trăng tròn phủ xuống, không gian bao quanh bởi một màu xanh lam ảm đạm. Tấm nhẹ nhàng bước từng bước về phía sau nhà.
Miệng giếng thấp, tròn gồ ghề. Tấm từ từ nhìn xuống dưới sâu, màu ẩm mốc của rêu xộc lên. Dưới đáy giếng đen ngòm, xuất hiện hai con mắt màu vàng, lòng đen hình bầu dục, có một con vật đang bơi trên mặt nước.
Rồi ngạc nhiên hơn, bằng một cách nào đấy, con vật đó bám vào thành giếng rồi len lên, từng nhịp, từng nhịp.
Để khi nó lên miệng giếng, Tấm mới nhận ra đó là một con cá lớn to bằng một đứa trẻ sơ sinh. Chỉ khác là, trên thân con cá này mọc ra bốn chân.
Tấm nhìn nó. Con cá nhìn Tấm, sau đó quẫy cái đuôi phành phạch, ra vẻ mừng rỡ.
Tấm lấy tay xoa đầu, phát hiện ra trên miệng con cá, những cái răng nhọn hoắt đỏ lòm ấy vẫn đang gặm một nửa bàn chân.
“Từ giờ chị sẽ gọi em là Bống.” – Tấm thì thào
Tấm nói chuyện với con thuỷ quái mà không biết, từ trong bóng đêm, mẹ của Cám đã nhìn thấy tất cả.
Phần 4: Chăn trâu chăn ở đồng xa, chăn ở gần nhà làng bắt mất trâu
Những ngày sau đó, Tấm lẳng lặng bắt những con vật nhỏ ném xuống giếng, khi thì con gà, khi thì con ếch. Mặt nước càng ngày càng nhiều xương trắng, tanh ngòm.
Mấy hôm đó trời mưa liên tục, mây đen phủ kín bầu trời. Mẹ của Cám ngồi trong nhà, thị suy nghĩ mông lung.
Vong linh trong Tấm ngày càng biểu lộ rõ. Phong ấn được ấn vào người Tấm ngày càng yếu đi. Hiện giờ thị cũng chẳng còn cách nào khác ngoài việc lấy Tấm làm bình chứa, để không cho vong ấy ra ngoài. Nếu không có vật giữ, nó sẽ thoả sức hoành hành.
Nhớ ngày xưa mẹ của Cám và cha của Tấm là một cặp đạo sĩ trừ ma. Trong một lần đi đến một ngôi đền cổ, họ gặp một ác linh. Tương truyền rằng, ác linh này vốn là một thầy ấn người Trung Quốc, được đưa đến để phong ấn các long mạch tại An Nam. Hắn lấy hiệu là Bụt, vốn là kẻ tàn ác, tu luyện tà thuật, lấy xác người và xác động vật làm vật dẫn, để tạo nên những sinh vật kì dị. Trong một lần đụng độ với thánh Gióng, đội quân của hắn không chịu nổi lửa thần của ngựa sắt. Trước khi bị cây gậy sắt màu đen quật vào gãy cổ, hắn kịp thời lập phép thoát hồn. Ám vào cỏ cây sinh linh ở đó mà sống.
Cuộc chiến giữa hai người và lão Bụt hết sức ác liệt. Cuối cùng, cha của Tấm bị thương. Ác linh tưởng như biết mất. Không ngờ lại bám theo cha Tấm, cuối cùng nhập vào phần hồn của đứa trẻ.
Mẹ Tấm chết sau khi sinh Tấm ra. Cha Tấm cũng qua đời không lâu sau đó. Khi đó, mẹ của Cám mới nhận nuôi Tấm, đồng thời cũng là để canh giữ ác linh. Không lâu sau đó, mẹ của Cám nhận nuôi thêm Cám – một đứa trẻ mồ côi trong làng.
Mấy hôm nay Tấm có biểu hiện lạ. Trong giếng nước sau nhà cũng phát ra yêu khí oan nghiệt. Mẹ Cám phải ngồi án binh bất động. Khi tâm hồn của Tấm bị dao động, ác linh sẽ dễ dàng chiếm lấy.
Hôm sau trời ngừng mưa. Mẹ Cám gọi tấm ra ngoài, bảo: “Con ơi con! Làng đã bắt đầu cấm đồng rồi đấy. Mai con đi chăn trâu, phải chăn đồng xa, chớ chăn đồng nhà, làng bắt mất trâu”
Tấm vâng lời.
Sau khi chắc chắn Tấm đã đi, Cám không có ở nhà, mẹ Cám mới ra giếng ở đằng sau. Thị vặn cổ một con gà, rồi ném xuống giếng.
Ở dưới giếng, bọt nước bắt đầu xuất hiện. Những chiếc răng nhọn hoắt trồi lên, ngoạm lấy con gà, máu đỏ hoà trong nước.
Đứng bên trên, người phụ nữ lấy lá bùa mầu vàng, niệm ấn chú, lấy dao cứa vào tay rồi nhỏ lên một vài giọt máu. Máu vừa rơi xuống giấy, khói bốc xì xèo. Thị cuốn lá bùa quanh một túi vải đựng đầy diêm tiêu, miệng niệm chú.
“Thiên linh linh
Địa linh linh
Trời diệt vong linh
Diệt vong diệt bạo”
Nói xong thị thả túi vải xuống giếng.
Một tiếng nổ lớn vang lên. Sau khi máu bắn tung toé, xương văng khắp nơi, thành giếng bắt đầu lục đục, đất đá xung quanh đổ sập xuống, khói bụi bốc lên.
Trong thoáng chốc, miệng giếng đã bị lấp.
Mẹ Cám ho sặc sụa, người không còn chút sức. Mười sáu năm liên tục phải niệm chú phong ấn ác linh, pháp lực suy tàn, nay một phép cỏn con như vậy cũng không thể thực hiện một cách dễ dàng nữa.
Thị đang quan sát miệng giếng, bỗng linh tính mách bảo có điều không ổn. Thị quay ngoắt ra sau rồi giật mình.
Đằng sau thị, là Tấm…
Tấm đang đứng…
Tấm đang cười.
Phần 5: Hậu Cá Bống
Thị rùng mình…
Tấm đứng đằng sau, run bần bật, miệng cười, mắt trợn ngược, tay chỉ thẳng vào giếng:
“Đến người bạn duy nhất của con, mẹ cũng nỡ tâm giết sao?”
“Tấm. Hãy tỉnh lại đi. Nó chính là yêu quái…” – mẹ Cám nói, đồng thời chầm chậm lùi về phía sau, tay lấy ra một nắm bùa.
Tấm không nghe thấy gì nữa. Chỉ thấy những kí ức hỗn loạn kéo dài.
Từ thời thơ ấu, Tấm không có bạn. Vốn sinh ra da đã xanh xao, lại mắc một căn bệnh quái ác: cứ hoạt động mạnh, là xương cốt sẽ bị nguy hại. Vì vậy lúc nào Tấm cũng có vẻ nhợt nhạt, yếu ớt. Bọn trẻ trong làng luôn tìm cách tránh xa Tấm. Một phần là vì sợ lúc nô đùa Tấm sẽ bị thương, một phần là sợ ánh mắt lạnh lẽo kì dị Tấm luôn mang trên mặt.
Cám tính trẻ con, không để ý đến Tấm, chạy vào chơi cùng với lũ trẻ trong làng. Cám càng vui vẻ hoạt bát bao nhiêu, Tấm càng ưu phiền sầu muộn bấy nhiêu. Dần dần, buồn bã tích tụ thành trầm uất.
Một lí do nữa, là Tấm luôn nghĩ mình không có mẹ. Dù cả hai được nhận nuôi, nhưng người ta thường gọi người đàn bà đó là mẹ Cám, chứ không phải mẹ Tấm. Dân làng luôn gọi đó là người dì ghẻ của Tấm. Tệ hơn nữa, họ còn rỉ tai nhau rằng, ngày mẹ Tấm mất, mẹ Cám luôn đến nhà bố Tấm mỗi đêm. Vốn dĩ không ai biết thị xuất hiện để phong ấn vong linh trong người Tấm, vào cái giờ mà nó hoạt động mạnh nhất.
Nhưng những lời truyền miệng thất thiệt, cũng đủ để một đứa trẻ như Tấm thêm phần hoài nghi.
Rồi Tấm gặp Bống. Một con vật mà không tránh xa Tấm. Một con vật muốn chơi với Tấm.
Sau bao lâu chỉ có một mình, Tấm đã tìm thấy một người bạn.
Để đến hôm nay, chính mắt nó thấy mẹ Cám tự tay giết Bống.
Giờ nó chẳng còn gì cả.
Chẳng còn ai cả…
Đứng trước mẹ Cám, Tấm mắt trắng dã, miệng sủi bọt, phun ra một tràng tiếng Tàu kéo dài, lần này có lẫn cả giọng đàn ông khản đặc.
Ác linh trong người đã chiếm lấy cô.
Sự thực là chính ác linh đã gọi con cá đến. Chính ác linh đã sắp đặt để Tấm quay lại và chứng kiến khung cảnh này.
Tấm bắt đầu niệm chú, từ đằng sau, con trâu mà Tấm dắt đi chăn, hai mắt đỏ ngầu, miệng thở hùng hục, dường như đã bị kiểm soát, xuất hiện rồi tiến về phía mẹ Cám.
Nó đang lấy đà.
Mẹ Cám xoay người, lấy chân quệt lên mặt đất vẽ thành hình vòng tròn âm dương. Những lá bùa trên tay, gấp lại, rồi lại xòe ra, dệt lên thành một lá bùa lớn to bằng nửa thân người, trải dài từ lưng đến chân, hai tay cầm hai mép trên, phủ ra trước ngực.
Con trâu lao tới, nó bước đến đâu, mặt đất rung động đến đấy. Nó không còn là một con trâu bình thường nữa, tốc độ của nó đã ngang bằng một con ngựa.
Mẹ Cám mặt không biến sắc. Khi con trâu đến gần, thị uốn người cùng lá bùa sang một bên. Con trâu đang có đà, bỗng bị đẩy theo đường cong của mép vòng tròn âm dương dưới đất, mất thăng bằng, chệch hướng, lao thẳng vào miệng giếng.
Ầm một cái, đống đất đá cùng gạch vụn văng tung tóe.
Tấm đứng ở đằng sau vẫn đang nhắm mắt niệm chú. Con trâu đứng dậy, lắc người, chân trước cào đất rồi chuẩn bị lao tiếp.
Một lần nữa, con trâu lại bị mẹ Cám hất ra, ngã văng người, oạch xuống mặt đất.
Tấm chuẩn bị niệm chú tiếp, thì có tiếng động lạ ở phía sau. Cả hai người cùng quay về phía có động.
Cám đã về.
Trong lúc Cám ngây ngô không hiểu chuyện gì đang xảy ra, thì Tấm đã quay người về phía Cám, mở miệng cười độc địa. Tấm lao về phía Cám, bàn tay trái đổi sang màu tím đậm, nhằm thẳng vào ngực Cám.
“Muốn điều khiển ai, phải lấy tim kẻ đó.” – Tấm lẩm nhẩm
Mẹ Cám theo phản xạ, hét lên một tiếng lớn, chạy ra khỏi vòng tròn âm dương, thẳng về phía Cám. Cùng lúc đó, con trâu chẳng biết từ đâu lao đến, điên cuồng nhằm thẳng phía eo thị mà húc.
Trong lúc thập tử nhất sinh, đau đớn vô cùng.
Khi mà bàn tay Tấm chỉ cách trái tim Cám một gang tay.
Một tia sáng lóe lên.
Giữa Tấm và Cám xuất hiện một chấn động lớn, đẩy cả hai người sang hai bên. Cám ngã nhoài xuống đất, còn Tấm bị văng xa hơn, đập đầu vào gốc gây bất tỉnh. Con trâu vì thế đang lao nhanh cũng khuỵu người xuống.
Một lớp bụi mù phủ qua.
Không gian trở nên im lặng.
Cám nhìn xuống dưới thân mình, nơi chiếc yếm đỏ mà hôm trước mẹ đưa cho, có những văn tự đang phát sáng.
Phần 6: Trận đồ
Những văn tự bằng vàng xuất hiện trên tấm yếm rồi nhanh chóng biến mất. Không phải tiếng Hán cũng không phải tiếng Nôm, trái lại, những văn tự này có hình dạng gần giống như họa tiết trên Trống Đồng Đông Sơn.
Dĩ nhiên Cám không biết, cũng không nhận ra.
Cám ngồi trên mặt đất. Hồn bay phách lạc. Đến khi mẹ hét Cám hét ba lần, cám mới giật mình.
“Đỡ Tấm vào nhà. Nhanh”
Hai người đưa Tấm vào trong. Mẹ Cám lấy trong tủ một lọ thuốc ra rồi xoa lên những vết bầm trên người Tấm.
“Mẹ sẽ giải thích sau. Vào kho lấy cho ta một thúng đầy thóc với gạo. Trước khi Tấm tỉnh dậy. Mau lên.”
Có một thúng đầy. Mẹ Cám đỡ Tấm xuống sàn. Tay múc đầy gạo và thóc, rải xung quanh thành trận đồ bát quái.
“Càn – Đoài – Ly- Chấn – Tốn – Khảm – Cấn – Khôn”
Rồi lấy tám lá bùa yểm vào tám cửa.
“Bày trận.”
Xong xuôi. Mẹ Cám đứng dậy mà người không vững. Lần này, trông thị thực rất tệ. Sắc mặt nhợt nhạt, thể trạng yếu đuối, dường như do vận công quá sức nên nguyên khí đã bị hao tổn.
“Con có bị trọng thương ở đâu không?”
Cám lắc đầu.
“Sao chị Tấm lại…”
“Đến nước này thì ta cũng phải kể hết với con.”
Mẹ Cám thuật lại câu chuyện, từ lúc còn ở ngôi đền cho đến khi Tấm sinh ra.
“Ta cứ nghĩ khoảng thời gian dài như vậy, ác linh đã biến mất. Nhưng không ngờ, người tính không bằng trời tính.”
“Chiếc yếm con mặc, là thứ ta tìm được trong ngôi đền. Sau lần khiêu chiến ác linh, nhờ linh tính mà ta tìm được sâu dưới lòng đất, một chiếc hòm bằng đá. Ta không biết chiếc yếm có nguồn gốc từ đâu, nhưng nhận ra công dụng của nó có thể xua đuổi tà ma, nên đưa cho con sử dụng.”
“Ta không nói con biết. Vì ta không muốn con sợ Tấm. Thực lòng ta biết, Tấm rất cô đơn.”
“Hiện ta không còn đủ sức để phong ấn ác linh đó nữa. Mệnh ta cũng chẳng còn bao lâu. Ta cần đi tìm một người. Trong lúc ta đi, con hãy thay ta chăm sóc Tấm. Đừng làm thay đổi vị trí của chỗ gạo và thóc này. Trận đồ này, người vào được nhưng ma không vào được. Người ra được nhưng ma không ra được. Bất cứ khi nào Tấm không thể tự mình bước ra, dù Tấm nói gì, con cũng không được làm theo.”
“Hãy nhớ. Tấm rất cần có con.”
Phần 7 : “Rặt rặt xuống nhặt cho tao, ăn mất hạt nào thì tao đánh chết”
Sau khi dặn dò, mẹ Cám đi. Cám ở nhà.
Tấm ngồi trong vòng bát quái. Cám ngồi ngoài hiên. Trời nổi gió, dần đổi sang màu xám xịt.
Hôm nay mây che mất trăng. Những rặng tre rủ bóng phủ xuống mặt đất. Dưới gốc tre mọc lên những khóm cỏ dại, u tối một vùng.
Cám ngồi ôm mình trước hiên. Người run bần bật. Thi thoảng có tiếng Tấm gọi khe khẽ từ đằng sau. Cám không nghe.
Thỉnh thoảng lại có tiếng Tấm đứng dậy, đi quanh vòng tròn rồi lại ngồi xuống.
Thỉnh thoảng lại có tiếng Tấm vọng ra: em ơi thóc gạo lẫn nhau thế này, em có muốn mình cùng nhặt không? Em ơi nhặt gạo ra gạo, thóc ra thóc xong, mình cùng đi hội.
Rồi chốc chốc lại có tiếng Tấm cười.
Cám ôm đầu. Cám không nghe. Cám nhìn về phía trước.
Kì lạ ở chỗ, trong những bụi cây trước mặt, khi nãy chỉ có một con chim sẻ, giờ đã lên tới mười con.
Và tiếp tục tăng lên.
Từng đàn từng đàn chim sẻ không biết từ đâu bay tới, đậu xuống. Chúng bu chen chúc cạnh nhau. Có những cành cây trĩu xuống một cách gắng gượng.
Chúng không cất tiếng hót, cũng không gây nên tiếng động. Tất cả chỉ im lặng, trân trân nhìn Cám, những ánh mắt thực quái gở.
Rồi từ phía sau, Cám nghe thấy một câu hát vọng ra, giọng hát khe khẽ như tiếng thì thào. Tiếng hát chầm chậm, từng nhịp, lạnh thấu xương, len lỏi từ bên trong, văng vẳng ra ngoài sân vắng:
“Rặt rặt (con chim sẻ) xuống nhặt cho tao
Ăn mất hạt nào thì tao đánh chết”
Tấm vừa dứt câu, tất cả lũ chim đồng thời nhắm mắt.
Một chiếc lá nhè nhẹ rơi từ trên cây, chạm xuống mặt đất…
Rồi lũ chim sẻ mở to mắt ra đồng loạt. Hàng chục đôi mắt màu đỏ đang nhìn về phía Cám. Chúng chớp mắt, chúng gật lắc đầu, chúng hót, chúng đập cánh, những âm thanh vang lên dồn dập, như ma kêu quỉ khóc, như người chết thét gào.
Một con rời khỏi cành. Những con còn lại cũng làm theo. Tất cả lao thẳng vào trong nhà. Ùa vào trận đồ bát quái. Lông chim bay rụng khắp nơi. Trong nhà, hàng chục con chim sẻ đang điên cuồng mổ xuống đất. Gạo và thóc văng lên tung tóe.
Cám ở ngoài hiên. Chết trân. Hãi hùng. Trời vốn xám xịt nay lại càng tối hơn.
Cô từ từ quay đầu về phía sau.
Có ánh chớp nổi lên. Trời bắt đầu đổ cơn mưa trĩu hạt. Phản ảnh trong nhà là một khung cảnh hỗn loạn. Những con chim điên dại, đang thực hiện công việc riêng của chúng.
Đứng ở tâm vòng tròn đó, Tấm tóc xõa rũ rượi, mặt trắng xanh không chút sinh khí, từ từ ngẩng đầu lên…
…nhìn thẳng về phía Cám.
Rồi Tấm chầm chậm, chầm chậm, bước qua trận đồ nay đã vỡ tan tành, tiến về phía đứa em.
Cám rên lên một tiếng kinh hãi rồi bỏ chạy, mới được hai bước chân đã vấp xuống bùn. Trời mưa nên bùn não nhoét. Cám đứng dậy, rồi lại trượt chân, ngã nhoài người xuống. Cùng khắc ấy, bóng người phía sau đang từ từ tiến đến gần.
Cám nghẹn lên một tiếng rồi ngất đi.
Tấm quay người về phía đằng sau.
Ở sân, có một con gà đang đứng đó. Nó kêu:
“Cục ta cục tác, cho ta nắm tho..”
Tấm bẻ cổ con gà.
Tấm tiến về phía sân sau. Tại chiếc giếng nơi Bống chết, miệng giếng bị lấp bằng đất đá, có một chỗ hõm xuống tạo thành một vũng nước. Tấm nhỏ máu gà xuống, máu chạm xuống nước bốc khói xì xèo. Mặt nước chuyển sang màu đỏ, nổi lên những bong bóng sùng sục.
Tấm chọc tay xuống mặt nước, sâu trong lớp bùn, có một đôi hài làm bằng xương trắng, ánh sáng tỏa ra nhè nhẹ, kì dị như lân tinh. Sau đó, tay nhúng cặp hài xuống vũng nước đang sôi ấy.
Cặp hài trắng nổi lên những đường vân, biến thành cặp giày thêu màu đỏ, với những hoa văn kì dị. Tấm nhìn cặp giày một lúc lâu, trong đầu văng vẳng tiếng nói.
“Cặp hài đỏ này
Ta dành cho con
Hãy dùng lấy nó
Để gặp nhà vua.”
Bỗng ở trong mặt đất có tiếng lục đục. Có một con rết nhỏ bằng đốt ngón tay chui lên. Tấm để con rết bò lên tay, nói với nó:
“Con hãy đi tìm rết tinh cho ta…”
Rồi Tấm thả nó đi.
Đoạn, Tấm đi qua nhà, nói vọng vào trong:
“Các ngươi, không ăn nữa. Hãy đi tìm vị trí của nhà vua cho ta.”
Bọn chim sẻ chớp những cặp mắt màu đỏ, sau đó ùa ra ngoài, bay đi tứ phía.
Tấm tiến lại gần Cám. Cám vẫn đang bất tỉnh. Tay trái của Tấm giơ lên, bàn tay chuyển sang màu tím.
Những văn tự trên yếm của Cám lại phát sáng.
Tấm càng giờ cao tay, những văn tự càng sáng hơn.
Rồi Tấm giật mình nhảy lùi lại.
Vào khoảnh khắc ấy, Tấm, không, ác linh trong người cô được nhắc nhở về kí ức năm xưa, trong cái biển lửa của chiến trận, có một người đàn ông dáng người oai vệ, tay cầm gậy sắt nặng trịch, cưỡi trên con ngựa đen hai mắt rực lửa, tiếng gầm hí vang trời.
Nghĩ ngợi một lúc, Tấm thu tay về, chân bước đi về phía cổng nhà.
Hôm ấy, người ta thấy một dáng người đi trong trời mưa tầm tã, hướng thẳng về phía kinh thành.
Phần 8: “Từ nay nàng sẽ là vợ ta.”
Tin một thiếu nữ tên Tấm lên làm vợ vua đã lan ra khắp chốn. Khắp thiên hạ, người ta đồn nhau những câu chuyện kì quái, dù chẳng ai muốn tin, nhưng người này kể cho người kia, xong cuối cùng cứ lan ra thành một tích lạ.
Người ta đồn nhau rằng, hôm ấy trên lòng sông, dưới chân cầu, có một chiếc hài thêu tinh xảo nối trên mặt nước. Một số người bơi xuống vớt chiếc hài ấy. Nhưng đến gần chiếc hài bỗng nhiên bị kéo thụt xuống lòng nước, không thấy ngoi lên.
Dân làng xung quanh cho rằng có yêu quái. Quây quanh hai bên bờ, mời thầy pháp đến, làm đủ mọi thứ phép nhưng chẳng có chuyện gì xảy ra.
Người càng lúc càng đông. Từ phía sau, khi đoàn xa giá chở nhà vua qua cầu, con voi ngự bỗng nhiên cắm ngà xuống đất kêu rống lên không chịu đi.
Khi nhà vua và đoàn tùy tùng đi qua, người dân mới rẽ sang hai bên.
Vua sai tùy tùng nhảy xuống nước, vớt chiếc giày. Dân làng nín thở, sợ người lính ấy sẽ bị kéo xuống nước sâu mà biến mất. Kì lạ thay, người tùy tùng ấy dễ như không, với lấy chiếc giày, trình lên nhà vua.
Nhà vua cầm chiếc giày lên, nhìn xung quanh, những họa tiết hình xoắn ốc màu đỏ cuộn tròn, những đường vân như vảy cá, nổi lên rồi lại chìm xuống.
Nhà vua như trong cơn mê, lẩm bẩm:
“Người đi vừa chiếc giày này hẳn là một trang tuyệt sắc.”
Rồi bỗng dưng, vua truyền lệnh:
Hễ ai đi vừa chiếc giầy, thì vua sẽ lấy làm vợ.
Dân làng ồ lên ngạc nhiên. Dù sợ hãi vì chiếc giày, nhưng việc làm vợ vua vẫn là một món hời lớn. Các bà, các cô chen nhau đến chỗ thử giày. Nhưng cứ ai cầm giày lên định ướm vào chân, lại thấy trong tay mình không phải là chiếc giày, mà là một con cá bốn chân, có hàm răng nhọn hoắt đang nhe ra. Hễ chỉ cần cho chân đến gần, nó sẽ vồ lên mà ngoạm chặt.
Thành thử, cứ ai đang định thử giày, thì lại kêu “ối” lên một tiếng, giật mình, ném chiếc giày ra xa. Dần dần, khắp dân trong làng, không ai dám thử nữa. Chiếc hài cứ chỏng chơ nằm trên mặt đất.
Nhà vua có vẻ thất vọng, bỗng từ trong đám đông, xuất hiện một người con gái nhẹ nhàng bước đến. Người con gái đó dáng vẻ hiền dịu, làn da trắng, hai mắt trong veo, thân hình đầy đặn, dáng người yểu điệu như liễu yếu đào tơ. Nàng đi đến, chống một chân xuống và thử giày.
Vừa như in.
Nhà vua vui mừng, sai người gọi người con gái ấy đến, hỏi:
“Nàng tên gì?”
“Thưa bệ hạ. Thần thiếp tên Tấm.” – giọng Tấm nhỏ nhẹ
Nhà vua lấy tay nâng cằm của Tấm lên, ngắm nghía rồi nói:
“Từ nay nàng sẽ là vợ ta.”
Rồi nhân gian đồn nhau câu chuyện như thế, có kẻ còn thêm mắm thêm muối. Rằng, sau khi nhà vua đưa Tấm đi, có bóng một con thuồng luồng mắt đỏ bơi dưới mặt nước. Rằng, Tấm thực chất là hồ li tinh sống ở trên núi, bày kế mê hoặc nhà vua, bởi người trong làng, chưa ai nhìn tấy Tấm trước đây cả.
Mẹ Cám nghe được tin, lập tức quay về nhà.
Cám ngồi trong nhà, co ro một góc, nhà cửa tan hoang, gạo và thóc vương vãi khắp nơi.
Thấy mẹ về, Cám òa lên khóc.
Ôm Cám vào lòng, thị lẩm bẩm: “Nhắm đến hoàng cung. Thì ra ngay từ đầu, ác linh đã có ý định phong ấn long mạch.”
Ngày hôm đó hai mẹ con Cám, im lặng dọn dẹp nhà cửa. Trong đầu mẹ Cám nghĩ đủ mọi cách để dừng tay ác linh. Nhưng hoàng cung canh phòng cẩn mật, cao thủ vô số, khả năng xâm nhập vào là quá nhỏ, không chừng phải đổ máu vô ích.
Tối hôm đấy, mẹ Cám ngồi trong nhà, bói một quẻ, xem sao, xem mệnh. Nhìn kết quả lá số, thị im lặng một lúc lâu. Đoạn, thị gọi Cám ra mà bảo rằng:
“Ý trời đã định, mệnh ta sắp cạn, sống chẳng còn được bao lâu nữa.”
“Việc phong ấn long mạch ngàn năm chẳng phải chuyện một sớm một chiều. Thời gian này, ta sẽ truyền lại cho con những gì ta biết để phòng thân. Sau đó, con hãy lên đường đi tìm các đạo sĩ trong giang hồ. Họ sẽ nghĩ ra cách để bảo vệ long mạch.”
“Thế nước đang lâm nguy. Chúng ta phải có bổn phận phải bảo vệ nước Đại Việt này.”
Mẹ Cám dặn thêm, từ giờ trở đi, không được rời chiếc yếm đang mặc.
Cám nuốt nước mắt vào trong, gật đầu.
Muốn tu tập cảnh giới đạo pháp đầu tiên, phải mất ít nhất một năm. Mẹ Cám rút ngắn giai đoạn, muốn đạt được những bước cơ bản, phải mất ít nhất sáu mươi ngày.
Vậy mà, chưa tới bảy ngày sau, trong một buổi sáng tiết trời âm u, vạn vật ủ rũ không chút sinh khí.
Trong lúc Cám đang tu tập ở sân, mẹ Cám trong nhà, lẩm nhẩm xóc bình, rơi một quẻ xuống đất. Thị cầm lên đọc, thấy hai chữ viết bằng mực đỏ: ĐẠI HUNG.
Thị bắt đầu dịch quẻ, những tiếng đều đều:
“Quẻ này
Nhà tan cửa nát
Quỷ khóc thần gào.
…”
Cùng lúc đó, ngoài sân có động.
“…
Số đoản mệnh
Bệnh tật, mất máu
Tuyệt đối không được dùng.”
Lời mẹ vừa dứt, Cám ngẩng đầu lên.
Chẳng biết tự bao giờ, Tấm đang đứng nhìn từ phía cổng, cười nhẹ:
“Chào em. Chị về giỗ cha.”
Phần 9: Vương phi
Tấm không đi một mình.
Đi cùng với Tấm là một người cận vệ lực lưỡng, cao gấp đôi người bình thường, tứ chi to như cái cột đình. Hắn cầm một thanh đao lớn nặng gần nửa tạ, cán đao đang đặt ở phía gáy, đùng đùng sát khí.
Ở phía sau là cả một đoàn lính hộ vệ gươm giáo đầy đủ. Nguyên do cũng bởi, trước khi Tấm rời cung, nhà vua đã ban cho một trăm lính tinh nhuệ, cùng với lời dặn: kẻ nào đụng đến một sợi tóc của vương phi, lập tức giết không tha.
Tấm mỉm cười. Lúc này, Tấm không còn là người thị nữ thôn quê nữa, mà là một vương phi đầu cài trâm ngọc, tay đeo vòng vàng, khoác trên mình áo lụa vàng lấp lánh, xinh đẹp vô cùng.
Chào Cám xong, Tấm sai người cận vệ hộ pháp cùng các tì nữ đứng đợi ở phía ngoài cổng. Rồi kéo tay Cám bước vào trong nhà để nói chuyện riêng.
Mẹ Cám cũng ngồi xuống.
Ba người cùng lặng im.
Mẹ Cám nhìn vào con người phía trước, lúc này, một luồng yêu khí bốc lên sôi sùng sục, như muốn ăn tươi nuốt sống mọi vật xung quanh.
Tấm nhìn mẹ Cám rồi nói nhỏ nhẹ:
“Mẹ. Sao hôm nay ngày giỗ mà không chuẩn bị gì hết vậy?”
Mẹ Cám ngẩng đầu lên, nhìn Tấm:
“Ngừng diễn kịch được rồi. Ngươi biết hôm nay không phải ngày giỗ cha Tấm chứ?”
Tấm lấy tay áo che miệng, bật lên một tràng cười khanh khách.
“Mẹ à… Con nói hôm nay là ngày giỗ… Chứ đâu có nói là giỗ ai ?”
Rồi quay sang nhìn Cám:
“Cám này. Em đã chuẩn bị hậu sự cho mẹ chưa?”
Cám giật mình. Người trước mặt mình, không phải chị Tấm nữa.
Đoạn, Tấm nhìn chiếc yếm đỏ, sau cười với Cám:
“Cám à… Em vẫn mặc chiếc yếm đó sao… Chẳng lẽ từ lúc chị đi, em không tắm sao?”
Rồi. Đột nhiên, nét mặt Tấm trở nên nghiêm nghị.
“Đưa chiếc yếm cho chị đi.” – Tấm nói
Cám ngạc nhiên ngẩng đầu lên. Nhìn Tấm một lúc lâu.
Dường như không cần giữ bình tĩnh nữa, Tấm nói lớn: “Đưa chiếc yếm cho chị!”
Vừa nói, Tấm vừa đứng dậy, nhoài người ra phía trước, tay hướng thẳng về phía chiếc yếm, mẹ Cám cũng đứng dậy, định ngăn cản Tấm.
Tức thì, cả ba người cùng trông thấy những văn tự trên yếm lại phát sáng một lần nữa. Tấm thu tay về, quay lưng về phía mẹ con Cám, đi thêm một vài bước, ngửa mặt lên trời, vừa cười vừa nói:
“Quả nhiên… Quả nhiên… Thần vật này. Người Hán chúng ta không thể chạm vào được…”
Mẹ Cám ngạc nghiên. “Thần vật?”
“…nhưng người Việt các ngươi thì có thể.”
Rồi Tấm quay người lại, cho tay vào trong áo, từ từ rút ra một con dao.
Mẹ Cám rút ra hai lá bùa rồi hét lên: “Ngươi định làm…?”
Thị chưa kịp nói nết câu, thì đã thấy ở trước mặt, Tấm hai tay cầm dao, tự đâm vào bụng mình.
Một dòng máu chảy ra.
Phần 10: Huyết chiến
Tấm vừa ọc máu vừa cười. Sau đó người loạng choạng, bước ra phía cửa, ngã nhoài ở giữa sân sân. Tên đội trưởng lực điền cùng quân lính chạy tới, đỡ lấy vương phi.
“Vương phi, chuyện gì đã xảy ra?”
Tấm chỉ tay vào nhà, nói điều gì đó.
Người cận vệ hét lớn: “Lũ nô tì đâu, ngự y đâu, mau cầm máu cho vương phi.” Sau đó hắn quay đầu, hét về phía sau:
“Trong nhà có kẻ ám toán vương phi. Các người hãy bắt chúng về đây cho ta. Nếu có phản kháng, tiền trảm hậu tấu!”
Quân lính nhất tề dạ vâng, cầm đao xông thẳng về phía ngôi nhà.
Biết đã mắc mưu, Mẹ Cám lấy trong người ra bốn cái bọc nhỏ được bọc bằng bùa vàng, cỡ bằng viên bi, kẹp vào giữa các ngón tay. Thị tính đánh lạc hướng để tìm đường thoát, nhưng nhìn xung quanh, đội cận vệ đã lập tức chặn các đường ra, vây chặt bốn phương tám hướng, một con kiến cũng khó thoát ra ngoài.
Tình thế thật nguy hại. Khi những tên lính cầm đao lao đến. Thị vắt chéo hai tay, miệng niệm chú, sao đó vung tay ném về phía trước. Chiếc túi chạm đất, phát sáng rồi nổ tung. Đất đá bắn lên, khói bụi mịt mù, quân lính một vài người bị chấn động từ phía vụ nổ, văng đi tứ phía, lục phủ ngũ tạng đều bị thương. Đám còn lại không dám tiến đến gần nữa, tất cả theo hiệu lệnh, từ từ lùi lại.
Mẹ Cám nhìn xung quanh một cách dò xét, tính toán cách thoát thân.
Tên đội trưởng thấy vậy, nhổ một bãi nước bọt xuống đất, nói với tên lính bên cạnh mình:
“Những kẻ sử dụng bùa phép ta chưa từng đối phó bao giờ. Phòng trường hợp ta không chống cự được, ngươi hãy về bẩm báo lên trên, xin cấp thêm binh lính san phẳng nơi này cho ta.”
Tên lính tuân lệnh, ghi nhớ nhân dạng của mẹ Cám, sau đó phóng ngựa đem tin về kinh.
Sau đó, tên đội trưởng ra hiệu, lập tức có một đội cầm cung dàn thành hàng ngang, căng cung nhằm thẳng người đàn bà trước mặt. Mẹ Cám tay kết bùa, chân quệt xuống đất, vẽ ra vòng tròn âm dương.
Hàng chục mũi tên xé gió bay đến. Thị hất lá bùa, tạo ra một luồng khí, những đường tên đang bay thẳng bị đổi hướng theo mép của vòng tròn, cắm phập vào đất, vào cây tre, vào tường ngôi nhà phía sau, xuyên qua thân con gà đang ăn thóc gần đó.
Tức thì, theo hiệu lệnh, một loạt tên nữa được bắt ra. Lần này, thị vận sức, quay hẳn người một vòng, uốn người như dòng khí, lá bùa vàng như vuốt lấy đám tên, những chiếc tên như bị điều khiển, đổi quĩ đạo, lượn một đường vòng cung rồi bay thẳng về phía người bắn.
Lũ lính không phản ứng kịp, bị thương vô số.
Người đội trưởng dường như đã hết kiên nhẫn, mặt hắn đã đổi sang màu đỏ lừ, những đường gân nổi lên. Rút mũi tên ở tay ra, hắn tiến về phía trước.
“Để ta.”
Hắn bước về phía mẹ Cám. Bước chân to lớn của hắn bước tới đâu, mặt đất rung chuyển tới đấy.
Mẹ Cám rút ra những bọc nhỏ, ném mạnh về phía kẻ địch trước mặt.
Tên đội trưởng lập tức lấy thanh đao to bè, chém thẳng vào vật đang bay tới.
Một tiếng nổ lớn vang lên. Tên đội trưởng thể lực hơn người, bị chấn động một lát, hắn định thần lại, rồi gầm lên một tiếng lớn:
“Ta đã từng vào sinh ra tử trên trăm ngàn chiến trận. Chặt đầu với hàng tá binh hùng tướng mạnh. Chút trò vặt của ngươi, giả thần giả quỷ, có gì đáng sợ?”
Mẹ Cám nghĩ một lúc, không dùng bùa gây nổ nữa.
Nhận ra điều đó, tên đội trưởng lập tức di chuyển đến trước mặt người đàn bà, nhanh như cắt, hắn chém thẳng đao xuống.
Mẹ Cám đứng trong vòng tròn thái cực, hai tay cầm lá bùa lớn, định đẩy lực tấn công về phía sau. Nào ngờ, lực chém quá mạnh, so với áp lực từ con trâu lần trước thì phải hơn đến ba lần. Lá bùa bị rách khi chạm vào thanh đao, theo phản xạ, thị nhảy sang một bên, lập tức lấy tiếp trong túi những bùa nhỏ bổ sung, kết lại lá bùa lớn.
Tên đội trưởng lại vung đao chém thêm lần nữa, những nhát chém từ dưới lên, rồi lại từ trên xuống, gió rít cắt da cắt thịt. Mẹ Cám đảo người, di chuyển trên mũi bàn chân, thoắt ẩn thoắt hiện, vừa lùi vừa né theo đường vòng cung.
Tên đội trưởng không chịu nổi nữa, hét lên một tiếng lớn rồi vung đao lên:
“Chết đi!”
Chỉ đợi khoảnh khắc ấy, mẹ Cám không lùi nữa, mà hướng về phía lưỡi đao. Khi khuôn mặt thị cách lưỡi đao chỉ một gang tay, thị lập tức đảo người sang một bên, sau đó bật lên phía trước, lộn một vòng. Trên không trung, hai ngón đang thả ra, ấn thẳng cái bọc nhỏ vào miệng đối phương.
Lúc tiếp đất, thị nhẩm bùa chú, có một tiếng nổ lớn đằng sau.
Quân lính sững sờ khi thấy người đội trưởng của mình, miệng và họng nổ tung, hai đầu gối đập xuống mặt đất, cả người sau đó đổ về phía trước.
“Thứ lỗi cho ta.” – mẹ Cám lẩm nhẩm
Sau đó, thị quay vào trong nhà:
“Cám. Chạy.”
Cám chạy ra ngoài tới chỗ mẹ.
Mẹ Cám tả xung hữu đột, vừa đánh vừa bảo vệ con. Lũ lính lao đến rồi lại bị đẩy ra. Thị thở dốc, mồ hôi chảy ròng ròng. Quân lính phía trước mỏng lắm rồi. Chỉ một chút nữa thôi.
Một chút nữa thôi…
Chẳng biết từ đâu, một con rết bay đến, những chiếc răng nhọn hoắt cắn thẳng vào cổ thị.
Phần 11: “Ném nó xuống hố. Đổ nước sôi vào.”
Con rết làm xong việc, rụng xuống đất, uốn éo bò đi. Mẹ Cám nhận ra chất độc đang lan trên người mình. Người thị lảo đảo, chân đứng không vững nữa.
Trong lúc thị lấy tay tự điểm huyệt, ngăn cho chất độc không lan ra, tên lính trước mặt hét lên một tiếng rồi lao vào, chém thẳng đao xuống.
Mất một lúc mọi người mới hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Cám gào lên.
Mẹ Cám nhìn xuống, trên người có một vết chém dài từ vai xuống eo.
Tại nơi vết thương hở miệng, máu đỏ bắt đầu túa ra, đầu gối thị chạm đất. Quay sang Cám, người đàn bà trút hơi thở cuối cùng:
“Chạy… đi con…”
Rồi thị gục xuống mặt đất.
Cám quỳ xuống mà khóc không ngừng, quân lính lập tức trói Cám lại.
Mọi người nhìn xung quanh, sau trận chiến, mặt đất giờ đây nhoe nhoét máu. Ai cũng bàng hoàng, chuyến hộ tống vương phi, không ngờ lại thành như thế này.
Phải bẩm báo với hoàng thượng ra sao?
Bỗng có tiếng vỗ tay nhè nhẹ từ phía đằng sau.
Từng cái, từng cái một.
Mọi người quay ra.
Tấm đang đứng đó:
“Các người làm tốt lắm.”
Tất thảy đều kinh ngạc, một người bị đâm vào bụng khó có thể hồi phục nhanh như vậy. Đoàn lính cúi người, chắp tay, người phó đội trưởng lên nói:
“Vương phi, người không sao chứ?”
“Ngự y đã chữa cho ta rồi. Các ngươi không phải lo.”
“Vậy người này xử tội thế nào?” – người lính chỉ tay vào phía Cám
Tấm bước đến trước mặt Cám, lúc này Cám đang bị trói, quì trước mặt.
Cám ở dưới nhìn lên, Tấm ở trên nhìn xuống.
Rồi Tấm nói chầm chậm:
“Ném nó xuống hố. Đổ nước sôi vào.”
Xung quanh tất thảy đều rợn người. Người phó đội trưởng vội tâu:
“Vương phi, người nói thật chứ?”
Tấm trừng mắt: “Ngươi dám trái lệnh ta?”
Mọi người đều e ngại. Từ lúc Tấm vào cung, tính tình hoàng thượng thay đổi một cách kì cục, coi Tấm như vàng như ngọc. Từ giờ, trái ý Tấm coi như làm phật ý nhà vua, nên không ai dám kháng lệnh.
Người đội trưởng đang sai quân lính đi đào hố, thì nghe tiếng Cám hét lên từ phía sau:
“Tên ác linh kia.”
Quân lính xung quanh không hiểu gì, chỉ thấy Tấm đang quay lưng bước đi bỗng đứng lại.
“Ngươi không dám đối mặt với ta sao?” – Cám gào lên
Không gian trở nên im lặng một cách ngột ngạt. Mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía Tấm. Rốt cuộc là có chuyện gì đang xảy ra?
Tấm từ từ quay đầu lại, mỉm cười: “Em gái, em nói gì vậy?”
Cám đã khóc hết nước mắt, đến lúc này, chỉ còn cơn hận trong người trào lên, sục sôi không dứt.
“Mẹ đã kể với ta rồi. Ngươi chỉ là một kẻ chết mà không chịu siêu thoát, lợi dụng cơ thể chị ta mà sinh sống. So với những kẻ tiểu nhân núp váy đàn bà, người có khác gì chứ?”
Tấm vẫn cười, cơ miệng trở nên căng hơn. Lần này Tấm đi đến gần Cám hơn, đưa tay lên má em.
“Em thì biết gì chứ?”
Trong tay áo Tấm, xuất hiện một con rết từ từ bò lên má Cám. Sau đó trườn qua tai, bò qua sau đầu rồi đi đến phía cổ.
Cám rùng mình, nhưng vẫn nói tiếp:
“Ngươi có thể chiếm lấy thể xác chị ta, giết chết mẹ ta, chôn sống ta. Ngươi có thể lừa được toàn bộ người ở đây. Nhưng không thể lừa được toàn dân Đại Việt.
Ngoài mẹ ta sẽ còn nhiều người nữa. Tất cả sẽ đến tìm ngươi. Người dân Đại Việt sẽ đến tìm ngươi. Ngươi sẽ không bao giờ trấn yểm được long mạch. Ngươi sẽ không bao giờ xâm phạm được mảnh đất này. Rồi ngươi sẽ phải bỏ chạy, như tổ tiên của ngươi trước kia, chưa một thế hệ nào của nhà ngươi có thể chiếm lấy mảnh đất này.”
Con rết bò xuống chiếc yếm, đột nhiên bốc khói xì xèo, sau đó rơi xuống.
“Ngươi sẽ không bao giờ khuất phục được dân tộc Đại Việt!” – Cám hét lên
Tấm quay sang người lính bên cạnh:
“Giết nó đi.”
“Bẩm… Thần không thể…”- người lính trả lời
Tấm hừ một tiếng, rồi rút lấy thanh gươm của người lính đấy, giơ cao kiếm lên, hướng thẳng về phía Cám:
“Chết đi.”
Trước sự chứng kiến của mọi người, thanh gươm từ từ xuyên qua tim Cám.
Vào khoảnh khắc ấy, Cám vẫn ngẩng cao đầu nhìn thẳng vào con người trước mặt, răng cắn chặt, không chút sợ hãi.
Phần 12: Thần vật
Từ bao đời nay, tộc người phương Bắc luôn muốn đánh chiếm xuống phương Nam. Nhưng dù cho nước mạnh, binh nhiều, khi gặp một tiểu quốc tên Văn Lang, thì luôn gặp thất bại, hoặc có đánh chiếm được, thì cũng không thu phục được.
Các thầy pháp nhà Hán tụ lại với nhau, phát hiện ra rằng trong chiến tranh xâm lược, muốn giữ được một nước, ngoài binh hùng tướng mạnh, còn có một yếu tố cần kiểm soát, đó là phong thủy.
Sở dĩ người Hán không thu phục được Đại Việt, vì người dân ở đây khí lực hùng cường, lại được bảo hộ bởi năm thần vật, đại diện cho năm yếu tố Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
Thần vật đầu tiên người Hán phát hiện ra, mang yếu tố Kim, chính là chiếc gậy sắt của thánh Gióng.
Thực chất, chiếc gậy, bộ áo và con ngựa sắt được chế tác từ một mỏ quặng đen. Người dân lớn lên ở khu vực này, trí tuệ tinh anh, sức khỏe hơn người. Phát hiện ra điều đó, một tộc người phương Bắc thời đó là nhà Ân khởi binh, đánh chiếm để lấy mỏ quặng. Chúng cử đi một trong những tên thầy chấn yểm bậc nhất Trung Hoa, có khả năng chi phối sinh linh, tính khí dị thường, luôn coi mình là Bụt, coi thường luân thường đạo lí, xúc phạm các bậc thánh nhân.
Nào ngờ, quân Ân bị một người cưỡi ngựa sắt biết phun lửa, cầm bụi tre đánh cho tan tác.
Tên thầy yểm bỏ mạng, vong của hắn bay lơ lửng, rồi mò theo long mạch, tìm đến được một ngôi đền, nơi đây dường như ẩn chứa năng lượng của thần vật thứ hai.
Hắn không bao giờ quên được, cảm giác sợ hãi khi đối mặt với một vị thánh.
Và giờ đây, trước mặt Cám, hắn nhận ra cảm giác ấy đang xuất hiện một lần nữa.
Quay trở lại với Cám, khi Tấm rút thanh gươm ra, chỉ thấy một nửa lưỡi gươm, phần còn lại khi chạm vào chiếm yếm tới đâu, đã bị nung chảy tới đó.
Rồi Tấm gào lên, bàn tay chuyển sang màu tím, nhắm thẳng vào tim Cám.
Tức thì, chiếc yếm thần phát sáng, lần này, toàn bộ các văn tự trong yếm xếp lại một vòng tròn rồi xoay tít, đẩy Tấm ra đằng sau.
Trên bầu trời, xuyên qua những đám mây xám, chẳng biết từ đâu, một cột sáng rọi thẳng từ trên xuống. Không gian quanh Cám sáng dần lên. Những sợi dây trói bung ra. Hứng lấy ánh sáng từ bầu trời, từ trên người Cám, một vầng hào quang bắt đầu tỏa ra nhè nhẹ.
Quân lính khi thấy động, lập tức rút khí giới ra đề phòng. Cám chầm chậm nhìn xung quanh, đôi mắt mơ màng.
Rồi Cám chậm rãi đứng dậy, trên người cô, ánh sáng tỏa ra êm dịu, như mang theo hơi ấm của vạn vật trong không gian.
Dưới ánh sáng ấy, sát khí tan đi, quân lính quên đi việc chém giết, chỉ nghĩ đến điều lành, nghĩ đến một cuộc sống an bình đang chờ đợi. Chẳng ai bảo ai, tất cả lập tức buông bỏ khí giới. Mặt đất leng keng những kiếm, gươm.
Dưới ánh sáng ấy, vạn vật như được hồi phục sinh khí.
Rồi tất thảy, quân lính, nô tì, tất cả đều quỳ xuống cùng một lúc.
Cám đứng ở giữa. Tỏa ra vầng hào quang ấm áp như đang thanh tẩy mọi sinh linh. Từ hào quang ấy, xuất hiện những đốm sáng nhỏ, bay nhẹ như đom đóm, đậu vào những vết thương của những người lính, vào vết chém trên người mẹ Cám, vào con gà trên sân.
Mỗi đốm sáng đều chứa năng lượng của sự sống.
Mẹ Cám cất tiếng thở trở lại, thị chưa chết, thị ngất đi do mất máu quá nhiều.
Vào khoảnh khắc đẹp đẽ ấy, xuất hiện một tiếng gầm lớn.
Chẳng biết tự bao giờ, Tấm lúc này thay đổi nhân dạng, buông tóc xõa rũ rượi, quanh người xuất hiện một vầng quang màu tím đặc. Tấm ngồi xuống, lẩm bẩm bùa chú, lòng bàn tay phải đặt xuống mặt đất, từng tràng tiếng Tàu bật ra khỏi miệng,
Từ năm đầu ngón tay, xuất hiện năm vết nứt lớn. Có một sinh vật cực lớn đang chuyển động dưới chân.
Quân lính không để ý, bị rơi xuống vết nứt ấy. Một bóng đen dài trườn qua cắn lấy từng người. Tiếng kêu gào khắp nơi. Máu từ dưới bắn phọt lên, mùi tanh ngòm phảng phất trong không khí.
“Xuất!”
Lời Tấm vừa dứt, từ dưới đất trồi lên một sinh vật có kích thước khổng lồ. Đó là một con rết màu đen sì, mỗi đốt của nó to bằng cỗ xe ngựa. Nó uốn lượn thân mình, bò tới đâu, ăn thịt người tới đấy.
Xác người khắp nơi, máu chảy thành dòng.
Con rết đối diện Cám, nhởn nhơ, hai cái râu ngoe nguẩy, trên miệng nó, hàng trăm cái răng nhoe nhoét máu.
Cám bước về phía con rết.
Con rết khổng lồ trước mặt rùng mình, người nó rung rung, rồi phát ra một làn khói độc màu xanh lục, khói bay tới đâu, cỏ cây bị ăn mòn tới đấy, những người lính xấu số không chạy kịp bị ăn mòn cả xương thịt. Con rết hít một hơi, cái miệng của nó thổi làn khói về phía Cám.
Khói độc mịt mù, ngày càng dày đặc, ánh ào quang quanh người Cám nhạt dần, biến mất trong làn khói ấy.
Tấm đứng từ xa quan sát, vẫn liên tục niệm chú điều khiển rết tinh.
Làn khói bủa vây xung quanh, chẳng thấy Cám đâu nữa.
Không gian bỗng trở nên im ắng ngột ngạt, chỉ nghe tiếng con rết tinh phun ra những hơi phập phù. Toàn thể cỏ cây sinh linh lặng im như đang nén mình chờ đợi.
Rồi giữa làn khói ấy, vang lên một tiếng gầm lớn, cư dân hàng dặm quanh khu vực ấy đều giật mình, có kẻ đang ăn còn rơi cả bát cơm. Một cơn cuồng phong xuất hiện từ bên trong, cuốn lấy mọi loại khói độc vào trong tâm rồi bay thẳng lên trời.
Tấm nhìn lên, Cám đứng dưới tâm cơn lốc, trên trời, một con rồng phát ánh sáng vàng đang bay theo vòng xoắn ốc với tốc độ kinh hồn.
Cám lúc này tỏa ánh hào quang, đôi mắt sáng vàng, nhìn con rết, nói thứ tiếng ngôn ngữ cổ xưa:
“Ngươi có nhớ ta không?”
Con rết cụp người lại, nó nhớ lại chuyện ngày trước, cùng đại bàng và chằn tinh, ăn chất dinh dưỡng từ vỏ của một trăm trứng còn sót lại, bị người con gái ấy bắt gặp, đáng lẽ những sinh vật đó đã bỏ mạng, nhưng vì lòng nhân từ, người con gái ấy đã thả chúng đi.
Đến giờ, ác linh trong người Tấm mới nhận ra, hắn đang đối mặt với ai.
Muốn biết nguồn gốc của tấm yếm, phải quay về lịch sử hàng vạn năm trước.
Thần vật thứ hai trong ngũ đại thần vật, mang thuộc tính Hỏa nay đã xuất hiện: tấm vải đỏ của Âu Cơ.
Từ thuở khai thiên lập địa, Âu Cơ và Lạc Long Quân kết duyên, sinh ra một bọc trăm trứng. Sau khi đưa năm mươi người con lên núi, nhận thấy nơi rừng sâu đầy hiểm nguy, Mẹ Âu Cơ lấy ánh mặt trời, dệt cùng ánh lửa thành một tấm vải đỏ. Thuở đó, loài người còn sống theo thị tộc mẫu hệ, người tộc trường nữ đảm nhiệm trọng trách khoác lên tấm vải này, đưa bộ lạc đi khai hoang.
Dưới ánh sáng của tấm vải, cỏ cây sinh trưởng tốt, dã thú không đến gần. Tấm vải đỏ được truyền từ đời này sang đời khác. Đến thời Hùng Vương, theo truyền thống, người công chúa sẽ đem theo tấm vải này. Khi nghề may sinh ra, tấm vải được may lại thành chiếc yếm.
Sau này chiến tranh loạn lạc, để tránh thần vật rơi vào tay kẻ địch, nhà vua đã sai người đem chiếc yếm đỏ cho vào chiếc hòm đá, chôn dưới đất sâu. Người dân thấy xung quanh nơi chiếc yếm được chôn, cây cối sinh trưởng, vạn vật tốt tươi, bèn lập nên một ngôi đền.
Tại ngôi đền ấy, đã diễn ra trận chiến giữa vong hồn của ác linh và hai người đạo sĩ.
Và bây giờ, tại một vùng quê hẻo lánh, có một trận chiến nữa đang diễn ra.
Ác linh trong người Tấm không phục, tiếp tục niệm chú. Con rết tinh quằn quại, sau đó buộc phải nghe lệnh, nhe những chiếc răng nhọn hoắt, tiến thẳng từ phía Cám, những cái chân của nó cắm mạnh xuống mặt đất, xuyên qua cả đá tảng, những mảnh vụn nhỏ bay đi khắp nơi.
Tức thì, từ trên trời, hỏa long lao xuống, toàn thân hóa thành ngọn lửa đỏ rực.
Răng của hỏa long cắm vào thân của rết tinh, nhấc bổng nó trên trời. Tuy vậy, lớp vỏ tu ngàn năm của rết tinh cũng không phải tầm thường. Lửa thường không thể thiêu chết được nó.
Nó giãy giụa trên không trung.
Nhưng lửa của hỏa long không phải lửa thường.
Toàn thân hỏa long đổi màu, từ ánh sáng màu vàng, giờ biến thành màu cam đậm đặc, như dung nham trong tâm trái đất, như lửa thiêng sát với mặt trời, toàn bộ không khí xung quanh hỏa long bốc khói.
Hỏa long cắn chặt răng, lớp vỏ của rết tinh bị nung chảy, rồi bị xuyên qua.
Phập.
Những tia lửa bắn ra. Rết tinh bị cắt làm đôi, hai mảnh xác rơi xuống. Hỏa long thổi những luồng lửa lớn, xác rết tinh bị thiêu trụi trên không.
Tấm đã hết bùa phép, chẳng còn gì để sử dụng nữa, liền quay đầu mà chạy.
Cám nhìn Tấm.
Lấp tức hỏa long đổi trạng thái, từ màu cam biến thành một luồng sáng trắng như ánh mặt trời, lập tức bay đến, cắn vào con người đang chạy kia, xuyên qua Tấm.
Tấm ngã về phía trước. Còn hỏa long bay vút lên trời. Trên răng hỏa long, có một luồng khí màu đen hình người đang giãy giụa, nhìn gần sẽ thấy, đó chính là khuôn mặt của tên thầy yểm năm nào.
Hỏa long nhìn về phía Cám, Cám gật đầu. Lúc này, hỏa long mới cắm chặt những chiếc răng vào luồng khí, sau đó phun ra một tia lửa lớn, sáng cả một vùng trời. Luồng khí đen bị thiêu rụi rồi biến mất trong không gian.
Lúc này, bầu trời đã xanh trởi lại. Hỏa long biến thành ánh sáng rồi tan vào ánh mặt trời. Mắt Cám cũng không còn phát sáng nữa, mà trở về bình thường. Những họa tiết trên áo cũng nhạt dần đi, rồi biến mất.
Mẹ Cám tỉnh dậy.
Trận chiến đã kết thúc.
Phần 13: Hồi kết
Tấm tỉnh dậy, thấy mình đang nằm trên giường. Cám ngồi bên cạnh nhìn chị. Thấy mẹ Cám đem thuốc vào, Tấm òa lên mà khóc.
Mẹ Cám ôm tấm vào lòng. Lúc này, thị đã cảm nhận được hơi ấm trong người Tấm. Lần đầu tiên trong mười sáu năm, trên khuôn mặt Tấm ánh nên nét hồng hào, không còn nhợt nhạt vô hồn nữa.
Người mẹ xoa đầu Tấm, rồi nói với con:
“Đã đến lúc ta phải đi rồi.”
Tấm ngạc nhiên.
“Trước trận chiến, có người đã báo về kinh về việc con bị ám hại. Nhà vua đã cho người dán cáo thị khắp nơi. Ta và Cám nay đã phạm trọng tội. Có lẽ, từ nay không thể ở bên con được nữa.”
Tấm cầm tay mẹ, nói rằng mình có thể khuyên can nhà vua.
“Ta không muốn làm khổ con. Hơn nữa, trên người Cám hiện đang mang một vật quí giá. Cám đã nhận ý chỉ của thần linh, ta phải đưa Cám đem thần vật về nơi cất giữ.”
“Con hãy về bẩm với nhà vua, mẹ con ta đã chết trong trận chiến. Như vậy sẽ tốt cho đôi bên. Con giờ không còn bị ác linh chiếm giữ nữa, cũng không còn là cô Tấm bé bỏng ngày nào, là một vương phi, hãy khuyên can nhà vua làm điều thiện, trở thành vị vua anh minh mà tốt cho dân.”
“Dù thế nào đi nữa, hãy nhớ rằng ta rất yêu thương con. Từ lúc con sinh ra đến giờ, ta vẫn mong được con gọi một tiếng “mẹ”.”
Tấm đang mở miệng định nói, thì bên ngoài tiếng ngựa xe rầm rập. Sau khi nhe tin, nhà vua đã lập tức rời cung, đem theo hàng trăm tinh binh đến tận đây, chỉ để đảm bảo Tấm được an toàn.
“Đã đến lúc ta phải đi rồi.” – mẹ Cám đứng dậy, Cám cũng đứng dậy theo
Giữa hai người xuất hiện một làn khói ngập cả căn phòng, Cám nhìn Tấm mỉm cười, sau đó biến mất trong làn khói ấy.
Khi quân lính xông vào. Chỉ thấy Tấm trơ trọi một mình, tay đưa ra trước mặt.
Một giọt nước mắt khẽ rơi.
“Con… còn chưa kịp gọi mẹ mà…”
___
Một tháng sau
Từ ngày Tấm về cung, hôm nào cũng ủ rũ, thẫn thờ nhìn ra khoảng sân vắng. Trong cung nhiều hoa cây cỏ lạ, mà sao lạnh lẽo vô tình.
Nhà vua tìm đủ mọi cách để làm cho Tấm cười. Vua cho rằng, Tấm vẫn bị tổn thương từ đợt bị dì ghẻ ám toán, cho bao nhiêu người đem của ngon vật lạ, đủ thứ dị thường, khi thì con vàng anh, khi thì khung cửi cho Tấm giải khuây, nhưng tất cả đều vô hiệu.
Một hôm, vua gọi Tấm đến, mặt hồ hởi:
“Ta biết nàng vẫn buồn. Nhưng hôm nay, cuối cùng ta đã nghĩ ra món quà quí giá nhất để tặng nàng.”
Tấm nhìn nhà vua, vẻ mặt không hiểu.
“Đi theo ta.”
Vua dẫn Tấm đến một căn nhà lớn, bên trong hàng chục người đang chấm mực đen rồi ngồi viết, những chồng giấy cao được đóng thành từng quyển. Vua quay sang bảo với Tấm:
“Từ hồi ta đưa nàng về. Khắp nơi lũ tiện dân nghị dị, nói những điều không hay. Một vương phi như nàng cớ sao phải chịu những lời đơm đặt như thế?”
Rồi nhà vua lấy một quyển rồi đưa cho Tấm.
“Vậy là ta đã viết nên một câu chuyện cho riêng nàng. Hồi mới vào cung, nàng kể với ta về mụ dì ghẻ, về con cá bống nàng nuôi. Ta đã dùng những chi tiết đấy, viết lại thành truyện. Từ nay sẽ cho người giả trang đi tra hỏi, kẻ nào kể khác, lập tức bắt đem vào ngục, đánh cho đến bao giờ hắn nói đúng những gì ta viết thì thôi.”
Tấm quay sang nhà vua:
“Bệ hạ không thể làm thế.”
Nhà vua xua tay rồi quay đi:
“Nàng không muốn, thì ta vẫn cứ làm. Việc này, ta đã quyết rồi. Thể diện của nàng, cũng là thể diện của ta. Vương phi một nước mà chúng không coi ra gì, thì còn coi nhà vua ta ra thể thống gì nữa?”
Nói xong, vua phủi áo đi mất, để lại Tấm trong căn phòng với những câu chuyện còn đang viết dở. Tấm cầm quyển sách trước mặt lên, trên đó có ghi: “Cổ tích Tấm Cám.”
Không lâu sau, chiếu chỉ được ban ra, mọi người dân đều phải thuộc lòng câu chuyện này. Một câu chuyện kể một lần người dân coi đó là đơm đặt, kể mười lần thì kẻ bán tính bán nghi, kể đến một trăm lần thì người ta tin đó là sự thật.
Vậy là từ đó, trên thiên hạ, bà kể cho cháu, mẹ kể cho con, từ đời này sang đời khác. Trên các nẻo đường làng quê, người dân vẫn nghe tiếng của những đứa trẻ hát đồng dao:
“Ngày xửa ngày xưa
Có một cô Tấm
Hiền dịu, nết xa
Sống cùng mẹ ghẻ
Độc ác, xấu xa
Bị hại bao lần
Tấm đều trở lại
Tấm là chim hót
Tấm là cây xoan
Tấm trong khung cửi
Tấm thực rất ngoan
Tấm trong quả thị
Tấm là cô Tấm
Tấm là cô tiên…”
Cũng có một số dị bản xuất hiện, của những bà mẹ kể cho những đứa con hư:
“Đứa trẻ nào hư
Sẽ bị Tấm bắt
Đi cướp chồng người
Tấm sẽ khoét mắt
Đừng nhắc đến Tấm
Vào lúc nửa đêm
Tấm buông tóc xõa
Xuất hiện bên thềm…
Đôi mắt trắng dã
Tấm đứng mỉm cười
Chị nuôi cá bống
Em muốn cùng chơi?
Bống bống bang bang
Bống bống bang bang…”
Rồi nhân gian kể nhau những câu chuyện được viết nên như thế, có kẻ truyền tai nhau, có kẻ ghi chép lại, kẻ thì bảo cô Tấm hiền dịu nết na, lại có kẻ cho rằng Tấm thật độc ác đáng sợ. Cuối cùng, Việc Tấm có sống hạnh phúc cùng nhà vua đến hết đời không, cũng chẳng ai biết.
Và đó là cách câu chuyện cổ tích Tấm Cám được kể lại cho đến ngày nay.
TRUYỆN CỔ TÍCH TẤM CÁM: HẾT
Source: https://thevesta.vn
Category: Tâm Linh