Bí quyết để sống khỏe, trẻ đẹp và trường thọ

Bí quyết sống lâu và sống khỏe mạnh, dựa trên nền tảng của sự khôn ngoan thường tình gồm 6 nguyên tắc ( xem khung 1 ) và chú ý quan tâm đặc biệt quan trọng đến những enzym trong sự tiêu hóa .

Khung 1: Sáu nguyên tắc khôn ngoan để sống lâu và sống có ích của TS. Thiên nhiên học (Natural Doctor) Bob Delmonteque:

 

1. Ăn uống thực phẩm càng gần với thiên nhiên càng tốt, nhất là thật nhiều các thực phẩm hữu cơ, tươi, sống và thật ít các sản phẩm chế biến công nghiệp, vô chai, đóng hộp, đồ chiên rán.

2. Ăn uống cân bằng dưỡng chất: 15% số Calori do chất béo, 20% do protein và 65% do bột đường, trong đó đa số là ngũ cốc lứt, thật nhiều rau quả tươi các loại để có đủ enzym.

3. Tập thể dục, chơi thể thao đều đặn hàng ngày.

4. Không hút thuốc lá, không uống quá 1 lon bia hoặc 1 ly rượu nhỏ mỗi ngày.

5. Uống thật nhiều nước lọc hoặc trà xanh.

6. Sử dụng đúng cách những chất chống oxy hóa, sinh tố và khoáng chất .

Đảm bảo có đủ các enzym

Thực phẩm và sự tiêu hóa thức ăn giữ vai trò trọng yếu cho mọi hoạt động của bộ máy cơ thể. Các dưỡng chất trong thực phẩm cung cấp cho ta nhiên liệu dưới dạng các chất cung cấp năng lượng (Calori). Nếu chiếc xe cần có cái bougie để khởi động đốt cháy xăng cho máy nổ thì cơ thể ta cần có các enzym (diếu tố hay men tiêu hóa) để xúc tác mọi phản ứng biến dưỡng trong cơ thể. Muốn biết enzym quan trọng như thế nào, bạn hãy đọc thêm bài “Hỏi đáp về enzym” trong số này. Ở đây chúng tôi chỉ đưa ra vài thí dụ:

Enzym do Probiotic Lacclean Gold và Kidlac tạo ra khi ta uống các gói men này sẽ trực tiếp tạo ra protease, amilase, lipase… giúp tiêu hóa – biến dưỡng thức ăn trong ruột là cách chủ động bổ sung enzym rất tốt để tăng hấp thu dưỡng chất.

Bản thân cơ thể con người cũng có thể tự tạo ra khoảng 500 enzym có vai trò khác nhau trong mọi hoạt động cơ thể nhưng vẫn chưa đủ. Cơ thể ta còn cần vô số enzym khác trong thực phẩm để trợ giúp cho sự tiêu hóa, biến dưỡng… Muốn đun cho 1 lít nước tăng lên 10C ta phải đốt một nắm củi để cung cấp 1.000 Calori. Nhưng trong cơ thể con người, để có số năng lượng này ta chỉ cần tiêu hao 0,25 g glucose trong máu hoặc 0,12 g mỡ dự trữ mà thôi. Đó là vì các enzym xúc tác phản ứng oxy hóa cháy ngầm trong cơ thể. Muốn cho thịt bò mềm nhũn, các bà nội trợ phải đun sôi nồi thịt từ 30 – 60 phút. Nhưng nếu trước đó ta ướp thịt bò với một ít thơm (dứa) bằm, hoặc một ít mủ đu đủ thì chỉ cần nấu vừa sôi lên là thịt đã rục nát rồi. Đó là vì enzym bromelin trong thơm hoặc papain trong đu đủ xúc tác phản ứng thủy phân protein của thịt bò. Phấn ong (phấn hoa do con ong lấy về) chứa rất nhiều enzym. Sau bữa ăn, ta ăn 1 muỗng canh phấn ong sẽ giúp tiêu hóa tinh bột dễ dàng. Vài lát Gừng tươi chứa men tiêu hóa thịt cá (protein) rất tốt.

Đa số enzym bị hủy hoại bởi nhiệt độ cao, sự phơi sấy, tồn trữ hoặc bị hủy bởi chất bảo quản, chất kiềm hay acid. Do đó rau quả tươi có thể ăn sống được mà không qua nấu nướng là nguồn cung cấp enzym chính cho cơ thể. Ngoài ra, rau quả các loại còn cung cấp nhiều chất khoáng vi lượng thiết yếu, nhất là kẽm, sắt, mangan, đồng… và các sinh tố, là thành phần cấu tạo của một số enzym do gan tạo ra cho cơ thể.

Nhiều rau quả tươi hàng ngày

Rau quả tươi vô cùng cần thiết vì mang lại cho ta nhiều sinh tố, khoáng chất, chất xơ, các chất có hoạt tính sinh học như chống oxy hóa, chống lão hóa, ngừa ung thư, như các polyphenol, flavonoid, lycopen, zeasanthin…, hoạt tính enzym và phòng ngừa nhiều bệnh…

Hàng ngày mỗi người cần ăn thật nhiều rau quả tươi, ít nhất 500 g/ngày, gồm 200 g rau lá lục đậm, 100 g củ quả có màu vàng, đỏ, cam, tím và 200 g quả chín tươi các loại. Càng nhiều loại rau quả càng tốt, có thứ ăn sống được, có thứ để nấu canh, xào, luộc. Xay sinh tố hoặc ép lấy nước cốt các loại rau củ, quả ăn sống được để uống; xác còn lại để nấu canh.

Rau quả nghèo năng lượng như dưa leo, củ đậu, su su, su hào, thanh long, dưa lê, bí đao, bầu, mướp, rau lá… nếu được dùng trước hoặc cùng bữa ăn sẽ giúp mau no nên còn giúp giảm cân.

Các loại cải, củ, quả có màu, Hành, hẹ, nén, tỏi … giúp ngày càng tăng tuổi thọ

Sử dụng thực phẩm càng gần với thiên nhiên càng tốt

Do đó ăn uống thực phẩm càng gần với tự nhiên chừng nào thì càng tốt chừng nấy và tránh tối đa các thực phẩm chế biến sẵn, vô chai, đóng lon, đóng hộp, chiên rán, thực phẩm ăn liền, muối mặn, phơi khô, nước ngọt, nước có gaz… gọi là những “thức ăn chết” vì hầu hết các enzym trong đó đều bị hủy diệt. Nên dùng ngũ cốc lứt, giảm tối đa gạo xay giã trắng.

Hàng ngày ta cần phải ăn uống cân bằng về các dưỡng chất thiết yếu, nhất là chất đạm (protein), chất béo (lipid), bột đường (glucid hay carbohydrat).

Cho phấn hoa vào bột khuấy (đặc), enzym amilase trong phấn hoa biến bột khuấy đặc thành lỏng

Chất đạm, nền tảng của mọi tế bào cơ thể

Chất đạm vô cùng cần thiết, đối với trẻ em và người lớn tuổi càng quan trọng hơn. Nhưng mỗi bữa ăn, một người lớn không nên ăn quá 100 – 140 g thịt, cá và mỗi ngày không nên ăn quá hai bữa thịt cá. Bởi vì lượng enzym trong cơ thể dù dốc hết toàn lực cũng chỉ có thể đủ để tiêu hóa hấp thu được 140 g thịt mà thôi và thời gian tối thiểu để tiêu hóa hết lượng thịt nói trên là 72 giờ. (Ăn nhiều thịt cá quá thì lượng thặng dư không đồng hóa được sẽ đọng lại ở ruột già, gây lên men thối và dễ sinh ung thư). Mỗi ngày ta cần 1 g chất đạm (tương đương 7 g thịt, cá) cho mỗi kg cơ thể. Phần nữa protein do thực vật, ngũ cốc cung cấp, do đó chỉ cần 0,5 g chất đạm/kg cơ thể hay 30 g protein hay 200 g thức ăn giàu đạm/ ngày cho một người lớn. Ăn dưới số lượng này thì không tốt mà ăn nhiều hơn cũng không có lợi cho sức khỏe và tuổi thọ.

Bột đường thật cần thiết để tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động nhưng nên dùng loại “đường thô” tức là tinh bột từ ngũ cốc và khoai củ và giảm tối đa các  đường tinh chế (đường cát, mứt, kẹo, bánh ngọt…). Cơm, bánh mì, bún, mì sợi, khoai lang, khoai tây… dù có ăn no bụng một bữa cũng không đem lại nhiều chất ngọt và bộ máy tiêu hóa chỉ sản xuất enzym tiêu hóa để biến thành năng lượng từ từ cho cơ thể dùng và sau 5 giờ mới hết bữa ăn đó. Người thừa cân thì bữa tối nên giảm ăn bột đường nói trên và thịt mỡ vì năng lượng dư thừa này dễ biến thành mỡ gây mập.

Sử dụng chất béo đúng cách

Chất béo rất cần thiết cho cơ thể nhưng nếu ăn dư thừa sẽ gây mập phì. Tỷ lệ năng lượng trong khẩu phần hàng ngày không nên dưới 12% và cũng không nên vượt quá 20%. Thí dụ với khẩu phần 2.000 Calori/ngày thì 20% là 400 Calori, tức 44 g chất béo. Phân nửa lượng chất béo này nên từ dầu mỡ giàu acid béo nhiều nối đôi như dầu hướng dương, dầu bắp, dầu mè, dầu đậu nành, dầu phộng, mỡ cá. 50% còn lại là từ mỡ trong thịt hoặc bơ, dầu chứa nhiều acid béo no hoặc ít nối đôi như dầu dừa, dầu cọ, mỡ động vật. Tránh tối đa chất béo “trans” tức chất béo chứa toàn acid béo hydrogen hóa trong các loại margarin, shortening, hay còn gọi là “mỡ thực vật” và chế phẩm dùng acid béo trans như mì ăn liền, mì xào giòn, các bánh phồng (cracker) giòn giòn, ngon ngon… (xem bài “Vitamin F và acid béo omega-3”, Chuyên đề Sức khỏe KHPT số 161).

Các dầu mỡ giàu acid nhiều nối đôi nói trên nếu đem chiên rán ở nhiệt độ cao cũng sẽ biến thành acid béo no vì bị đứt mất các nối đôi hoặc biến thành chất độc hại, kể cả gây ung thư (biến thành acrolein khi thức ăn có màu vàng nâu hay cháy khét).

 

Cẩn thận với thức uống

Nước được coi là suối nguồn tươi trẻ. Nước vô cùng cần thiết cho cơ thể vì nước giúp enzym hoạt động dễ dàng, giúp sự tiêu hóa và loại thải cặn bã và chất độc, chống táo bón… Nước chiếm 65 – 75% trọng lượng cơ thể nhưng có thể bị mất đi do môi trường, do tiêu chảy hoặc do lao lực… Mỗi ngày trung bình nên uống 1,5 – 2 lít nước, nhưng nếu khí hậu khô nóng, lao lực nhiều thì phải uống nhiều hơn nữa.

Phải chọn nước sạch, nghĩa là nước chín, nước tinh khiết, nước lọc, nước trà xanh.  Rau quả các loại luôn chứa 80 – 90% nước và luôn kèm theo vô số dưỡng chất cần thiết, kể cả nhiều enzym… nên là “thức ăn giải khát” tốt vô cùng. Giới hạn tối đa các loại nước ngọt vô lon, đóng chai vì chúng chứa nhiều muối, đường và hóa chất kém thiên nhiên. Cũng cần cảnh giác với những cách pha chế nước thiếu vệ sinh từ nước, ly tách và tay người nhiễm trùng. Dĩ nhiên cần giới hạn tối đa thức uống có cồn…

 

Thể dục thể thao hàng ngày

Con người cũng thuộc giới động vật, do đó không thể sống mà thiếu vận động. Thế nhưng cuộc sống hiện đại đang làm cho chúng ta ngày càng mất đi những chức năng vận động thiết yếu. Do đó để sống khỏe, sống đẹp và sống lâu chúng ta không thể thiếu sự vận động bằng thể dục thể thao hay lao động thường ngày. Trong một bài khác, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về thể dục thể thao. Ở đây chỉ tóm tắt, nếu công việc hàng ngày của bạn thuộc loại thiếu vận động cơ bắp thì bạn cần bỏ ra 30 – 60 phút mỗi ngày cho thể dục thể thao, nếu bạn không muốn cơ thể mình bị thoái hóa.

Tùy theo tuổi tác, thể lực và điều kiện cá nhân, nếu không đánh cầu, đá banh, thì đi bộ, tập dưỡng sinh, khiêu vũ hoặc tập tạ, tập võ… và một tinh thần luôn hăng hái…

Tóm lại, để có sức khỏe và sự tươi trẻ bền lâu, không gì khác hơn là sự khôn ngoan và hài hòa trong cách sống, lao động, ăn uống, nghỉ ngơi và vui chơi giải trí hợp với thiên nhiên.

DS. PHAN ĐỨC BÌNH

Source: https://thevesta.vn
Category: Sức Khỏe