Tiếng Việt, văn Việt, người Việt

Nếu yêu tiếng Việt và có sở thích đùa nghịch với câu chữ, bạn thực sự cần đọc cuốn sách này bởi nó như một bước đệm cần thiết đưa một người dùng tiếng Việt đến gần sự thấu hiểu về mặt ngôn ngữ học thứ tiếng họ đang sử dụng.

“Tiếng Việt”
Là một người hoài nghi, tôi luôn có sự so sánh, kiểm chứng và nghi vấn tất cả những gì mình bắt gặp, ngữ pháp tiếng Việt được dạy trong trường phổ thông những năm 90 thực sự không bao giờ tìm được sự đồng thuận của tôi, mặc cho một thời gian dài, tôi cố sức uốn nắn

Nếu yêu tiếng Việt và có sở thích đùa nghịch với câu chữ, bạn thực sự cần đọc cuốn sách này bởi nó như một bước đệm cần thiết đưa một người dùng tiếng Việt đến gần sự thấu hiểu về mặt ngôn ngữ học thứ tiếng họ đang sử dụng.

“Tiếng Việt”
Là một người hoài nghi, tôi luôn có sự so sánh, kiểm chứng và nghi vấn tất cả những gì mình bắt gặp, ngữ pháp tiếng Việt được dạy trong trường phổ thông những năm 90 thực sự không bao giờ tìm được sự đồng thuận của tôi, mặc cho một thời gian dài, tôi cố sức uốn nắn câu chữ vào cái lồng ngữ pháp ấy hòng đem lại một sự chuẩn mực. Cuốn sách của Cao Xuân Hạo không nhằm đưa ra một hệ thống ngữ pháp tiếng Việt cho người đọc, nếu ai đó hi vọng cuốn này là một cuốn giáo khoa (text book) thì họ sẽ thất vọng; thay vào đó, nó là tập hợp những thảo luận của ông về từng vấn đề cụ thể của tiếng Việt, một cách hết sức thú vị, mạch lạc, tập trung, nhằm giải quyết cái “đề” mà ông đã đặt cho từng bài viết.
Cuốn sách là một tập hợp những lời giải đáp của một nhà ngôn ngữ về một khía cạnh nào đó trong ngôn ngữ – tiếng Việt – mà ông chắc chắn rằng, một người Việt Nam nói tiếng Việt cần biết, nhưng lại không ai biết, như vấn đề về ngữ pháp cơ bản của một câu nói phổ thông, từ mượn (Hán-Việt, Thái-Việt, v.v.), thời, từ loại, lặp phủ định trong câu, v.v.. Cuốn sách lý giải hợp lý một cách khoa học (theo cách nhìn từ người không chuyên như tôi) những khúc mắc người ta thường đặt ra cho tiếng Việt và cho rằng vì thế mà nó thiếu logic hay phi lý hay là cách nói thông dụng là dễ dãi, không chặt chẽ, rồi đưa đến kết luận tiếng Việt là một ngôn ngữ chưa trưởng thành trong khi thực ra không phải như vậy.

“Văn Việt”
Từ nhỏ, tôi đã hay được ông nội lảy Kiều cho nghe, và từ đó bồi đắp một niềm yêu thích đặc biệt với câu chữ tiếng Việt, rất mượt mà nhưng lại không hoàn toàn dễ hiểu, mà mãi đến khi học đại học, tôi mới phần nào nắm bắt được những câu thơ ấy, mặc dầu cấp 2 Kiều đã được dạy trong trường.
Với tôi, văn chương cũng như điêu khắc, khi Rodin nói “chúng ta càng đơn giản chúng ta càng hoàn thiện”, và cũng dẫn lời Michelangelo kiệt tác là khi ông đục bỏ những phần thừa đi. Lớn lên trong thành tựu của Cách mạng, ơn Đảng ơn chính phủ, chúng ta lẫn lộn ngay trong cách diễn đạt của tiếng Việt mình – thứ tiếng đang ngày càng trở nên lỏng lẻo và thiếu chính xác. Trong phần này của cuốn sách, Cao Xuân Hạo đã đưa cho độc giả một viên phấn, để vạch rõ ranh giới đâu là tường minh và đâu là mơ hồ trong thứ tiếng của chúng ta. Trong viết lách, ranh giới ấy càng trở nên thực sự quan trọng, và ông đã giúp tôi thấy rõ điều ấy.

“Người Việt”
Nhóm bài thảo luận mối liên hệ giữa người Việt và cách họ dùng tiếng Việt, thông qua một vài ví dụ tiêu biểu, là đề tài của từng bài viết cụ thể. Chúng dường như quay về với chủ đề căn tính người Việt, hay là thói hư tật xấu của người Việt. Những bài viết này hầu hết chọn lọc từ những thảo luận không còn nhiều học thuật như hai phần trên, mà với tôi, chúng như kiểu “nói thêm” hơn là một phần chính của cuốn sách.

Nhìn chung, đa phần những bài viết xứng đáng là những bài báo học thuật chứa đựng đủ chất xám và hiểu biết về những chủ đề tương ứng, nhưng cũng đủ thông dụng để một người đọc phổ thông, nếu chịu khó và gắng sức, có thể hiểu được vấn đề.

…more