Ngân hàng Chính sách xã hội chung tay cùng cả nước vượt qua đại dịch Covid-19

Ngân hàng Chính sách xã hội chung tay cùng cả nước vượt qua đại dịch Covid-19

Ngay sau khi nhà nước phát hành Nghị quyết số 68 / NQ-CP và Thủ tướng nhà nước ban hành Quyết định số 23/2021 / QĐ-TTg, NHCSXH đã tổ chức triển khai Hội nghị trực tuyến toàn nước tiến hành chính sách tương hỗ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục sinh sản xuất


Năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhất là đợt dịch lần thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4/2021 tại Việt Nam với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm, đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong nước, ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống người dân khi các chuỗi cung ứng, chuỗi lao động tại nhiều địa phương cũng như trong cả nước bị đứt gãy, sản xuất, tiêu dùng đình trệ, nguy cơ tái nghèo có xu hướng tăng. Trong bối cảnh đó, toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH)  tiếp tục chủ động bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021; Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 07/01/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về tổ chức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2021 và Nghị quyết của Hội đồng quản trị NHCSXH, Ban điều hành NHCSXH đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt cùng với sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ, người lao động trong toàn hệ thống, hoạt động của NHCSXH tiếp tục được duy trì ổn định, an toàn và đạt được kết quả khả quan trên các mặt hoạt động, góp phần tích cực vào sự ổn định của nền kinh tế, chính trị – xã hội đất nước.
 

Nỗ lực hoàn thành tốt mục tiêu “kép”
 

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường và nguy hiểm, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi rộng, thời gian kéo dài, để đảm bảo hệ thống NHCSXH tiếp tục hoạt động an toàn, hiệu quả, NHCSXH đã bám sát chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp trong công tác phòng, chống dịch. NHCSXH đã triển khai các phương án, kịch bản ứng phó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động, hoàn thành tốt mục tiêu “kép” đã đề ra, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao, góp phần giải quyết một phần khó khăn của xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. 
 

Tính đến ngày 31/12/2021, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 256.324 tỷ đồng, tăng 22.779 tỷ đồng so với cuối năm 2020, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước đạt 39.386 tỷ đồng, tăng 1.783 tỷ đồng; nhận tiền gửi 2% của các tổ chức tín dụng Nhà nước: 90.500 tỷ đồng, tăng 9.038 tỷ đồng; phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh: 39.230 tỷ đồng, giảm 55 tỷ đồng (hoàn thành kế hoạch phát hành năm 2021 là 11.024 tỷ đồng); huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trên thị trường: 40.738 tỷ đồng, tăng 5.215 tỷ đồng, hoàn thành 119% kế hoạch năm 2021. Một số chi nhánh huy động vốn tăng cao trong năm 2021 như Long An (tăng 295 tỷ đồng so với kế hoạch), Thanh Hóa (tăng 280 tỷ đồng so với kế hoạch), Thành phố Hà Nội (tăng 200 tỷ đồng so với kế hoạch), Nghệ An (tăng 150 tỷ đồng so với kế hoạch)… Nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương đạt 24.702 tỷ đồng, tăng 4.387 tỷ đồng, hoàn thành 146% kế hoạch năm 2021. Có 61/63 chi nhánh đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch năm 2021. 
 

Tổng doanh số cho vay năm 2021 đạt 80.211 tỷ đồng, tăng 4.386 tỷ đồng so với năm 2020, với trên 02 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; tổng doanh số thu nợ đạt 58.288 tỷ đồng, tăng 1.985 tỷ đồng so với năm 2020.
 

Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tính đến ngày 31/12/2021 đạt 247.970 tỷ đồng, tăng 21.773 tỷ đồng (+9,6%) so với cuối năm 2020, trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 209.875 tỷ đồng, tăng 15.527 tỷ đồng (+8%) so với cuối năm 2020, hoàn thành 100% kế hoạch, với gần 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Dư nợ tập trung vào một số chương trình tín dụng: Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt 44.398 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo đạt 43.612 tỷ đồng; hộ cận nghèo đạt 36.062 tỷ đồng; hộ nghèo đạt 27.479 tỷ đồng; giải quyết việc làm đạt 39.946 tỷ đồng; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn đạt 27.550 tỷ đồng; học sinh, sinh viên đạt 10.243 tỷ đồng;…
 

Trong năm 2021, vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 608,7 nghìn lao động; giúp hơn 2,2 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp 37,5 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; 1.357 doanh nghiệp vay vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh và trả lương cho hơn 379 nghìn người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; xây dựng gần 1,4 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng hơn 1,1 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống; xây dựng gần 6,2 nghìn căn nhà ở xã hội… Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế – xã hội.
 

Cùng với việc tập trung thực hiện chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2021 được giao, NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác và các ban, ngành, chính quyền các cấp tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng, đồng thời, thực hiện tốt công tác đôn đốc, thu hồi, xử lý, quản lý nợ, phòng ngừa nợ quá hạn phát sinh trong quá trình hoạt động, vì vậy, chất lượng tín dụng chính sách tiếp tục được duy trì và giữ vững. Tính đến ngày 31/12/2021, nợ quá hạn và nợ khoanh là 1.736 tỷ đồng, chiếm 0,7%/tổng dư nợ. 
 

Bên cạnh đó, hoạt động ủy thác thông qua các tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục được triển khai thực hiện tốt thông qua 10.434 điểm giao dịch xã, với gần 170 nghìn tổ tiết kiệm và vay vốn, đảm bảo an toàn, hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, qua đó, kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến ngày 31/12/2021, các tổ chức chính trị – xã hội đã phối hợp với NHCSXH triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội với dư nợ ủy thác là 244.694 tỷ đồng, chiếm 98,68%/tổng dư nợ, trong đó: Hội Phụ nữ chiếm 38,41%; Hội Nông dân chiếm 30,28%; Hội Cựu chiến binh chiếm 16,99%; Đoàn Thanh niên chiếm 14,31%. 
 

Tín dụng chính sách đã giúp người nghèo có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo
 

“Tiếp sức” doanh nghiệp, người dân vượt qua đại dịch
 

Nhằm kịp thời hỗ trợ, khắc phục khó khăn cho các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19, ngày 01/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; cùng với đó, ngày 07/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, NHCSXH đã được NHNN tái cấp vốn để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
 

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021, NHCSXH đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất nhằm đưa chính sách đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất, chính xác và hiệu quả trên tinh thần “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.
 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện chương trình đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Với tinh thần hỗ trợ người sử dụng lao động được tiếp cận vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất một cách thuận lợi nhất, giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn trả lương cho người lao động; đồng thời, bảo đảm chính sách được thực hiện công khai, minh bạch, tránh bị trục lợi, NHCSXH đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08/10/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 06/11/2021 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. 
 

Đồng thời, để hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động, hệ thống NHCSXH đã, đang và luôn chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ các điều kiện về nguồn nhân lực, vật lực để triển khai tốt chính sách, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bên cạnh đó, các đơn vị trong hệ thống NHCSXH tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chính sách cho vay trên các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng để mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận chính sách nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả nhất; đồng thời để các cấp, các ngành giám sát đảm bảo thực hiện chính sách công khai, minh bạch.
 

Từ khi triển khai thực hiện đến ngày 31/12/2021, 63 chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện giải ngân cho 2.474 lượt người sử dụng lao động với số tiền 2.316 tỷ đồng để trả lương cho 603.050 lượt người lao động. Trong đó: Để trả lương ngừng việc là 1.224 lượt người sử dụng lao động với số tiền 255 tỷ đồng, trả lương cho 71.639 lượt người lao động; trả lương phục hồi sản xuất sau khi bị tạm dừng hoạt động là 1.020 lượt người sử dụng lao động với số tiền 1.930 tỷ đồng, trả lương cho 498.533 lượt người lao động; trả lương phục hồi sản xuất trong lĩnh vực hoạt động vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 230 lượt người sử dụng lao động với số tiền 130 tỷ đồng, trả lương cho 32.878 lượt người lao động. Đến ngày 31/12/2021, dư nợ thực hiện đạt 2.291 tỷ đồng. Trong đó, một số đơn vị có dư nợ thực hiện đạt cao như: Bắc Giang đạt 382 tỷ đồng, Thành phố Hồ Chí Minh đạt 376 tỷ đồng, Đồng Nai là 356 tỷ đồng, Bình Dương đạt 220 tỷ đồng, Thành phố Hà Nội: 161 tỷ đồng, Bắc Ninh: 114 tỷ đồng, Cần Thơ: 113 tỷ đồng, Tiền Giang: 70 tỷ đồng,…
 

Việc tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời, không để người sử dụng lao động có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn không tiếp cận được nguồn vốn từ chính sách của Chính phủ đã góp phần tích cực trong việc phát huy hiệu quả chính sách đến các đối tượng thụ hưởng, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của Chính phủ đến những đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, được người dân đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao.
 

Trong năm 2021, nhiều địa phương trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, khiến cho hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH gặp không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là hoạt động giao dịch xã (đã có 9.539 phiên dừng giao dịch và 2.064 phiên đổi lịch giao dịch). Tuy nhiên, với sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Ban điều hành và sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động trong toàn hệ thống, NHCSXH đã hoàn thành tốt kế hoạch và nhiệm vụ chính trị được giao. 
 

Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách của hệ thống NHCSXH trong thời gian tới
 

Bước sang năm 2022, hệ thống NHCSXH tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách. Cụ thể: 
 

Một là, tiếp tục triển khai đầy đủ và thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch trong toàn hệ thống, đặc biệt, tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT-TW và Kết luận số 06-KL/TW trong giai đoạn mới. 
 

Hai là, tập trung mọi nguồn lực, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn hiệu quả. 
 

Ba là, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao, gói tín dụng chính sách ưu đãi trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 – 2023 của Chính phủ và các chính sách tín dụng để thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2025. Tích cực huy động các nguồn vốn, trong đó, đẩy mạnh việc nhận vốn ủy thác từ ngân sách các địa phương, phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, huy động tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân trên thị trường, làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn…
 

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg; đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động tiếp cận nguồn vốn tín dụng để trả lương ngừng việc cho người lao động, trả lương phục hồi sản xuất, góp phần giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Phương Chi (NHNN)