HỖ TRỢ TẠO VIỆC LÀM CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT Ở VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2016-2018

     Ở Việt Nam hiện nay, lực lượng lao động khuyết tật chiếm tỷ lệ không nhỏ. Theo số liệu thống kê của Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật (NKT), đến đầu năm 2018, cả nước hiện có khoảng tám triệu NKT từ 5 tuổi trở lên, bằng 7,8% dân số. Nguyên nhân khuyết tật là do bẩm sinh, di truyền, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, thương tật do chiến tranh, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai địch họa… dự báo trong những năm tới, số lượng người khuyết tật sẽ tiếp tục gia tăng.
     Trong số NKT, có 58% là phụ nữ, 42% là nam giới. Đa số người khuyết tật trong độ tuổi lao động sống ở nông thôn, công việc của họ chủ yếu là phụ giúp gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp, công việc không ổn định, thu nhập thấp. Có 40% NKT ở độ tuổi lao động và còn khả năng lao động, trong đó chỉ có 30% số người này là có việc làm, tạo thu nhập cho bản thân, gia đình và xã hội. Như vậy, nước ta còn khoảng 2 triệu người khuyết tật có khả năng lao động nhưng chưa tham gia lao động, chưa có việc làm.
     Đời sống của NKT vô cùng khó khăn cả về sinh hoạt, tâm lý lẫn tài chính. Hỗ trợ giải quyết việc làm, nhằm tìm cho NKT một công việc phù hợp không chỉ giúp nhóm lao động này tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội… mà còn khẳng định vai trò của họ, giúp họ tham gia đóng góp vào các hoạt động xã hội, góp phần vào công cuộc xây dựng phát triển đất nước. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều đề án, chính sách về an sinh xã hội, tạo việc làm, dạy nghề cho NKT. Nhiều văn bản đã ban hành như Bộ luật Lao động, Luật người khuyết tật… Đặc biệt ngày 20/6/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành theo Quyết định số 899/QĐ-TTg “Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp – Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 – 2020” [1]. Trong đó “Hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật” là một nội dung quan trọng trong Dự án Phát triển thị trường lao động và việc làm thuộc Chương trình này.
     Với nội dung hỗ trợ tạo việc làm cho NKT, dự án đi sâu thực hiện các hoạt động như: định hướng, tư vấn việc làm, nghề nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng làm việc, kỹ năng tìm việc; tổ chức các khóa đào tạo, tham quan, làm việc tại doanh nghiệp, tổ chức; giới thiệu việc làm cho NKT.

1

Ảnh 1: Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam

1. Thực trạng hoạt động hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật giai đoạn 20162018
     Trên cơ sở Cục Việc làm trình Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phê duyệt kế hoạch thực hiện nội dung (Quyết định số 710/QĐ-LĐTBXH ngày 12/6/2018) [2], Cục Việc làm ký hợp đồng đặt hàng với 28 cơ quan/đơn vị (Trung ương Đoàn, 22 Trung tâm dịch  vụ việc làm thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, 04 Trung tâm thanh niên dịch vụ việc làm và Hội người khuyết tật TP. Hà Nội) với tổng kinh phí là 12,5 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động hỗ trợ lao động di cư, hỗ trợ tạo việc làm cho lao thanh niên, người dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo nông thôn và NKT.
     Mặc dù thời gian thực hiện các hoạt động ngắn, nhưng các cơ quan/ đơn vị đã tập trung triển khai thực hiện. Theo báo cáo của các địa phương, đến hết tháng 10/2018, cơ bản các địa phương đã hoàn thành 60-70% khối lượng công việc theo hợp đồng đã ký. Đến tháng 11, Cục Việc làm đã nhận được Hồ sơ thanh quyết toán của các địa phương: Hà Giang, Bắc Kạn, Bình Dương và Cao Bằng.
     Bên cạnh đó, Cục Việc làm – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương tiếp tục tuyên truyền thông tin, tổ chức các hoạt động về việc làm đến người lao động đặc biệt là cho NKT, nhằm tạo công ăn việc làm, thực hiện mục tiêu nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo của quốc gia.

 

2

Ảnh 2: Người khuyết tật làm việc tại cơ sở giầy da

2. Đánh giá hoạt động hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật giai đoạn 20162018
2.1. Những kết quả đạt được
     Với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, các hoạt động về hỗ trợ tìm việc làm cho NKT đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như sau:
     – Nhà nước và cộng đồng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho NKT tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để học nghề, tìm việc làm. Ngân hàng Chính sách xã hội đã phân bổ nguồn vốn ưu đãi cho hàng nghìn dự án của NKT và cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động là NKT. Nhiều địa phương thành lập và bố trí kinh phí từ Quỹ việc làm cho NKT để hỗ trợ, tạo việc làm cho NKT.
     – Số cơ sở dạy nghề cho NKT đã tăng lên cả về số lượng, quy mô và chất lượng đào tạo, công tác dạy nghề cho NKT từng bước được xã hội hóa với sự tham gia của khu vực tư nhân. Tính đến đầu quý 3 năm 2018 có 156 cơ sở dạy nghề tham gia dạy nghề cho NKT, trong đó có 55 cơ sở dạy nghề chuyên biệt, 200 cơ sở có tham gia dạy nghề cho NKT, nhiều trường hợp NKT được xem xét để được miễn giảm học phí. Ngoài ra, các hội, đoàn thể cũng tổ chức dạy nghề, giải quyết việc làm cho hàng nghìn NKT. Riêng năm 2017, cả nước có khoảng 20.000 NKT được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm thông qua chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
     – Nhiều NKT tìm kiếm được việc làm, dần dần làm chủ cuộc sống, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đặc biệt, nhiều NKT trở thành người đứng đầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, giải quyết việc làm cho nhiều người cùng cảnh ngộ khác tại địa phương.

3

Ảnh 3: Dạy nghề thêu tranh cho người khuyết tật

2.2. Những tồn tại và nguyên nhân
     Bên cạnh những kết quả đạt được, việc hỗ trợ tạo việc làm cho NKT gặp rất nhiều khó khăn và còn một số hạn chế như sau:
     – NKT rất khó tiếp cận vốn vay ưu đãi để học nghề hoặc mở các cơ sở sản xuất kinh doanh. Nguyên nhân là Ngân hàng Chính sách xã hội từ năm 2014 đến nay không được bổ sung nguồn vốn từ Nhà nước. Ngân hàng chỉ thực hiện bằng nguồn vốn quay vòng. Chưa có nguồn vốn dành riêng cho NKT vay để phát triển sản xuất, kinh doanh;
     – Tỷ lệ NKT sau đào tạo nghề tìm được việc làm còn thấp và chủ yếu là tự tạo việc làm. Nguyên nhân do 80% NKT sống ở nông thôn, trình độ văn hóa thấp, môi trường thiếu thông tin về việc làm. Bản thân NKT thường sống khép kín, thụ động, cộng thêm những rào cản xã hội như thái độ phân biệt, đối xử… nên không quan tâm đến việc tìm việc làm. Một số gia đình thương con, em mình bị khuyết tật nên không đồng ý cho con em mình đi làm vất vả mưu sinh. Bên cạnh đó, các đơn vị, tổ chức sử dụng lao động cũng chưa sẵn sàng nhận NKT vào làm việc, vì hiệu quả làm việc của họ không cao và họ không chủ động được một số hoạt động như những người bình thường.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật trong thời gian tới
     Xuất phát từ quan điểm NKT không chỉ là đối tượng cần được ưu tiên, mà họ còn cần được nhìn nhận là lực lượng lao động tiềm năng, có vai trò tích cực với xã hội. Vì vậy giải quyết việc làm cho NKT không phải là giúp đỡ, là làm từ thiện… mà là đáp ứng nhu cầu chính đáng là được làm việc và được ghi nhận của họ. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý Nhà nước phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần thực hiện các giải pháp sau đây:
     – Nhà nước ban hành các chính sách quan tâm đến NKT, có cơ chế chính sách về tài chính hỗ trợ NKT học nghề, hỗ trợ người sử dụng lao động nhận NKT vào làm việc, hỗ trợ những NKT có ý tưởng mở cơ sở sản xuất kinh doanh;
     – Thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tất cả mọi người trong xã hội, nhằm xóa bỏ cảm giác mặc cảm tự tin của gia đình và bản thân NKT, nhằm xóa bỏ thái độ phân biệt đối xử với NKT, giúp họ hòa nhập cộng đồng, tìm được việc làm phù hợp, đống góp sức mình vào việc xấy dựng và phát triển đất nước;
     – Phát huy cao hơn nữa vai trò của các trung tâm đào tạo nghề. Các cơ quan chức năng xây dựng cơ sở dữ liệu về NKT. Phân tích, đánh giá nhu cầu học nghề, việc làm của từng nhóm đối tượng, từ đó có chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả;
     – Thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về lao động, việc làm, nhất là cho lao động khuyết tật. Các tổ chức xã hội phát động phong trào khuyến khích khởi nghiệp; thành lập quỹ phát triển doanh nghiệp hoặc trung tâm phát triển doanh nghiệp, tạo “giá đỡ”, làm “bệ phóng” cho NKT vươn lên;
     – Cục Việc làm hỗ trợ các địa phương tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động hướng tới đối tượng NKT; tiếp tục đặt hàng hợp đồng với Trung tâm dịch vụ  việc làm thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung tâm dịch vụ  việc làm của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan khác như Trung ương Đoàn, Hội người mù Việt Nam… để thực hiện các hoạt động hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động khuyết tật, sao cho họ tìm được công việc phù hợp, có thu nhập ổn định.
     – Thực hiện giám sát và đánh giá kết quả thưc hiện hoạt động hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho NKT thường xuyên, kịp thời khắc phục những khó khăn và phát huy những kết quả đạt được, tạo động lực cho NKT cũng như các bên liên quan.
     Từ thực trạng hoạt động và kết quả triển khai công tác hỗ trợ tạo  việc làm cho NKT trong thời gian qua, Cục Việc làm – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp các các bộ, ban, ngành và các địa phương để tiếp tục triển khai Dự án Phát triển thị trường lao động và việc làm, trong đó quan tâm đặc biệt tới nội dung “Hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật”. Việc đào tạo nghề và tạo việc làm cho NKT còn khả năng lao động là một việc làm vừa mang tính xã hội vừa có tính nhân văn sâu sắc, vì vậy đây không chỉ là trách nhiệm của riêng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội mà còn là trách nhiệm của các cấp chính quyền và cả cộng đồng để thực hiện mục tiêu cùng NKT vươn lên khẳng định giá trị bản thân và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

—————————
[1] Chính phủ (2017). Quyết định số 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ : Phê duyệt Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp – Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 – 2020.