Chuyển Hóa Tự Thân Bằng Cách Luyện Tâm
Trao Tặng Chiến Thắng Cho Người Khác
Cũng có những phương pháp về cách mình có thể nhìn bản thân bằng một cách khác, và thay đổi thái độ đối với bản thân trong những tình huống này. Phương pháp đầu tiên là “trao tặng chiến thắng cho người khác và chấp nhận thua thiệt cho mình”. Nói cách khác là với thái độ ái ngã, ta có xu hướng luôn nghĩ về bản thân mình, “Tôi phải thắng; sự việc phải xảy ra theo ý mình, và người khác phải nhượng bộ”; trong khi đó, nếu ta chấp nhận sự thua thiệt cho mình thì việc tranh cãi sẽ chấm dứt. Chẳng hạn như, chỉ một ví dụ đơn giản thôi, bạn đang đi chơi với bạn bè hay người phối ngẫu của mình, và phải quyết định đi ăn ở nhà hàng nào? Nếu người bạn của bạn muốn đến một nơi nào đó và bạn khăng khăng là nên đi nhà hàng khác thì bạn sẽ bắt đầu tranh cãi qua lại hoài. Nhưng cuối cùng thì có gì khác biệt? Nếu như bạn chỉ cần đồng ý và nói rằng, “Được rồi. Hãy đi ăn ở nhà hàng mà bạn thích”, thì việc tranh cãi sẽ kết thúc. Nói cách khác là việc tranh cãi sẽ kết thúc, nếu mình trân trọng người khác hơn bản thân mình, và để cho họ thắng cuộc.
Hiện nay, chúng ta không nói về những tình huống thật quyết liệt mà người kia sẽ đề nghị điều gì rất tiêu cực và phá hoại, nhưng khi nó thật sự không tạo ra bất kỳ sự khác biệt sâu sắc nào thì hãy trao tặng chiến thắng cho người khác. Đương nhiên là chiến thuật này có thể bị phản đối, nếu như bạn luôn luôn nhượng bộ và người kia lợi dụng bạn, vì vậy nên rõ ràng là mình phải nhạy cảm khi sử dụng phương pháp này. Nhưng có nhiều tình huống mà đây là cách tốt nhất để xử lý vấn đề.
Tôi sẽ nêu ra một ví dụ từ kinh nghiệm của riêng mình. Tôi sống ở một trong những quận có nhiều nhà hàng lớn ở Berlin, ở một góc nhộn nhịp. Tôi sống trong một tòa nhà chung cư, và đã từng có một quán rượu rất yên tĩnh ở tầng trệt, nhưng sau đó thì một nhà hàng mới khai trương ở đó, một nhà hàng Tây Ban Nha rất nổi tiếng. Nhà hàng này mở cửa từ bảy giờ sáng ngày hôm trước cho đến ba giờ sáng ngày hôm sau, bảy ngày một tuần. Khi thời tiết ấm áp thì họ để bàn ở bên ngoài, ở cả hai bên tòa nhà của tôi. Mọi người ngồi bên ngoài và uống bia hay rượu, nói chuyện lớn tiếng và cười đùa cho đến ba giờ sáng. Khi họ mới mở nhà hàng và để những cái bàn ngoài trời, ngay dưới cửa sổ phòng ngủ của tôi, và tôi thường nằm đó vào ban đêm, không ngủ được vì tiếng ồn. Tôi đã thất vọng, khó chịu và chỉ nghĩ về bản thân mình, chứ không nghĩ đến việc người khác đang ăn uống vui vẻ, nên tôi tưởng tượng đủ thứ. Tôi hình dung mình đang ở trong một lâu đài thời trung cổ, có một thùng lớn chứa nhựa đường đang sôi, và đổ nó xuống đầu những người đang ngồi ăn ở phía dưới. Nhưng tôi không thể làm một ông già cáu kỉnh, luôn luôn gọi cho nhà hàng và nói rằng, “Hãy kêu mọi người giữ im lặng, nếu không thì tôi sẽ gọi cảnh sát!”. Điều đó sẽ không hữu hiệu.
Thế là tôi quyết định cách duy nhất để giải quyết vấn đề này là trao chiến thắng cho người khác và chấp nhận mất mát cho mình. Việc họ tận hưởng một buổi tối mùa hè thì quan trọng hơn việc tôi có thể ngủ trong phòng ngủ của mình. Căn phòng duy nhất trong nhà tôi mà không đối mặt với đường phố là nhà bếp. Tôi có một nhà bếp rất lớn, với một bục cao dành cho chỗ ăn sáng. Có rất nhiều khoảng trống ở đó. Thế là tôi ngủ ở đó trong những tháng có thời tiết ấm áp. Ban ngày thì tôi để chiếc nệm dựa vào tường, và ban đêm thì đặt nó xuống sàn và ngủ trong nhà bếp. Nó rất yên tĩnh và trên thực tế, cũng là gian phòng mát mẻ nhất trong nhà.
Tôi rất vui khi ngủ trong bếp. Tôi đã dành phần thắng cho họ, và không quan tâm đến việc họ ồn ào đến mức nào, vì tôi không nghe tiếng của họ. Điều này cũng rất tốt trong những ngày trước Tết, vì người Đức rất thích pháo. Đường phố rất ồn ào, nhưng một lần nữa, nếu tôi thay đổi thái độ về vấn đề này và dành phần thắng cho họ bằng cách ngủ trong bếp thì không có vấn đề gì.
Những Điều Tiêu Cực Xảy Ra Đang Thiêu Đốt Nghiệp Xấu Ác Của Mình
Phương pháp thứ hai là xem những điều tiêu cực đang xảy ra với mình như đang “thiêu đốt nghiệp xấu ác của mình”. Điều này không có nghĩa là chấp nhận nó như một hình phạt, nhưng nghĩ rằng điều khó khăn này đang xảy ra để thiêu hủy một số nghiệp xấu ác theo một hình thức nhỏ hơn, và khi nó xảy ra như vậy thì điều này giúp cho nó không trổ thành những điều thật sự khủng khiếp hơn trong tương lai. Một ví dụ đơn giản là bạn bị kẹt xe, và không thể di chuyển trong một thời gian dài. Vậy thì bạn sẽ nghĩ rằng, “Tuyệt vời! Điều này đang thiêu đốt nghiệp bị tê liệt, khi mà mình không thể di chuyển, nếu mình bị đột quỵ sau này, chẳng hạn vậy. Giống như vậy, ta sẽ tùy hỷ vì những điều tiêu cực này đang xảy ra, bởi vì nó đang dọn đường cho những điều tốt đẹp hơn nhiều trong tương lai.
Các Phật tử truyền thống tin vào vong linh ám hại. Nếu chấp nhận sự tồn tại của chúng thì ta có thể thay đổi thái độ này thêm một bước xa hơn nữa, và yêu cầu những vong linh này như sau, “Hãy hãm hại tôi nhiều hơn nhé. Hại nhiều hơn nữa.”. Gần đây, tôi có một kinh nghiệm rất tốt về điều này. Bắt đầu từ khoảng giữa tháng 7 thì mọi việc đều không suông sẻ khoảng hai tháng. Mọi thứ đều bị hư. Tôi bị nhiễm trùng vì một cái mụt kỳ lạ ở trên lưng, và không thể đến câu lạc bộ thể thao trong khoảng hai tháng, bởi vì cuối cùng, khi việc nhiễm trùng chấm dứt thì người ta phải cắt bỏ cái mụt đó. Sau đó, máy vi tính của tôi bị hư vì một con vi khuẩn khủng khiếp. Nó còn phá luôn một ổ cứng (hard disk), nên tôi không thể dùng máy vi tính đó cả một tháng. Rồi thì máy in bị hỏng; và tôi đã có hai cái máy video, cả hai đều bị hư. Tôi là một người rất hâm mộ khoa chiêm tinh học, nhưng vì lý do không giải thích được mà cơ sở dữ liệu (database) của tất cả các lá số tử vi mà tôi đã thu thập từ mọi người đã biến mất. Không có cách nào lấy lại thông tin đó. Rồi tôi làm bể cái tách mà tôi thích nhất và luôn dùng để uống nước, rồi giữa những sự kiện này thì tôi đã đi Pháp để dự buổi thuyết pháp của Đức Dalai Lama, và hãng hàng không đã làm mất hành lý của tôi.
Đó là điều cuối cùng đã xảy ra. Khi hành lý của tôi bị mất thì tôi chỉ phì cười, vì nó hoàn toàn vô lý. Sau đó ,tôi bắt đầu suy nghĩ, “Hãy lấy thêm nữa đi, hỡi những vong hồn ám hại! Các người sẽ làm hỏng việc gì nữa đây?” Điều này giúp cho tôi thấy đỡ hơn nhiều. Thay vì dựng lên những bức tường cảm xúc để tránh sự trở ngại thì tôi lại chấp nhận chúng một cách cởi mở, thậm chí còn chào đón thêm nhiều khó khăn hơn nữa.
Vài năm trước, tôi bị nhiễm trùng trong xương hàm, dưới một chiếc răng mà trước đây tôi đã làm phẫu thuật lấy tủy, và phải làm phẫu thuật nha khoa để cắt bỏ một mảnh xương hàm. Không lâu sau chuyến đi Pháp ấy, tôi đã đi gặp nha sĩ, và anh ấy đã cho tôi một tin vui rằng mô thẹo (scar tissue) đã bị nhiễm trùng trở lại, và tôi phải làm phẫu thuật nha khoa lần thứ hai để cắt nó ra khỏi xương. Tôi đã biến tin tức này thành một điều tích cực với thái độ, “Tuyệt vời! Điều này đang thiêu hủy chướng ngại cho việc đưa các phần ngôn ngữ kế tiếp lên trang mạng của mình.”.
Theo giáo lý nhà Phật thì bạn càng cố gắng hoàn thành những điều tích cực hơn thì càng có nhiều chướng ngại để cố ngăn chận điều đó xảy ra. Vì vậy, tôi đã xem tất cả những sự kiện này như một tình huống tuyệt vời đang thiêu đốt chướng ngại, nên đã khẩn cầu những vong hồn ám hại, “Hãy tạo ra thêm nhiều chướng ngại nữa; hãy ném chúng vào mình tôi!” Trong khi làm như vậy thì không phải là tôi không vui chút nào trong suốt thời gian mà mọi thứ đều bị hư hại và trái ý. Vì vậy, nếu bạn có thể áp dụng phương pháp luyện tâm này thì nó thật sự có hiệu quả. Thay vì nhìn một tình huống như quá khó khăn, khủng khiếp và chán nản thì bạn sẽ thay đổi thái độ và xem nó như điều gì tuyệt vời.
Trao Tặng Hạnh Phúc Cho Tha Nhân Và Nhận Lấy Nỗi Khổ Của Họ Cho Mình (Tonglen)
Phương pháp cuối cùng mà tôi muốn đề cập có lẽ là phương pháp tiên tiến và khó nhất trong tất cả những phương pháp này. Đó là pháp tu Tonglen, cho và nhận. Khi bạn gặp tình huống khó khăn nào đó, chẳng hạn như đau răng thì phương pháp đó là nghĩ rằng, “Nguyện cho mọi người hết đau răng và nghiệp đau răng của họ trổ trên mình tôi. Nguyện cho không có ai phải bị đau răng nữa, vì tôi đã tự mình nhận lấy nỗi đau của tất cả mọi người.”. Bằng cách mở rộng tấm lòng cho tất cả mọi người và sẵn sàng chấp nhận khổ đau thì mình sẽ khắc phục sự căng thẳng, sợ hãi và bất hạnh, khi chỉ nghĩ rằng, “Tội nghiệp cho mình quá”. Với pháp tu Tonglen thì chúng ta còn đi xa hơn nữa và nghĩ rằng, “Tôi sẽ làm tan biến tất cả những đau đớn và khổ não của họ, rồi sử dụng nguồn hạnh phúc cơ bản trong tâm mình để gởi niềm vui đó cho tất cả chúng sinh.”.
Bây giờ ở đây, bạn phải hết sức cẩn thận, để không rơi vào vị trí tử vì đạo, “Tôi sẽ chịu khổ vì bạn”, mà theo một nghĩa nào đó, là một sự phóng đại của bản ngã. Tôi phải thú nhận rằng tôi không khá lắm về phương pháp này. Cần phải có lòng can đảm thật lớn để thực hiện điều này một cách chân thành, nhưng gần đây, tôi đã thử thực hành nó.
Tôi có nói rằng tôi phải giải phẫu cái hàm lần thứ hai, và phải tỉnh táo trong suốt ca phẫu thuật. Điều đó khá thú vị! Họ cắt và mở toàn bộ nướu răng ở một bên miệng của bạn ra, rọc nó xuống, rồi lấy một cái gì giống như cái cưa điện, cắt ra một mảnh xương hàm, một ít chân răng và một ít thịt xung quanh đó. Cách họ làm điều này thật sự gần như thời trung cổ. Lần đầu tiên làm giải phẫu này thì tôi chỉ thấy những điều họ làm rất là thú vị. Thật ra không quá đau đớn, vì thuốc tê khá mạnh, mặc dù ở giai đoạn giữa thì cần phải chích nhiều thuốc tê hơn. Nhưng lần giải phẫu thứ hai thì phần bị nhiễm trùng lan rộng hơn nhiều, và khi bạn bị nhiễm trùng thì Novocain không hữu hiệu ở chỗ đó, nên vô cùng đau đớn.
Tôi đã thử phương pháp cũng được sử dụng trong Đại Thủ Ấn – đó chỉ là một cảm giác thôi, không phải là chuyện lớn. Dù bạn cù lét vào lòng bàn tay của mình hay nhéo nó, cào nó, hay cắt nó thì đó chỉ là một cảm giác thể chất thôi, không có gì hơn, nên đừng làm ra chuyện lớn. Điều đó hữu hiệu ở một mức độ nào đó, nhưng sau đó thì tôi nhớ đến Tonglen. Đó là thời điểm mà việc khủng bố và tra tấn đang diễn ra rất nhiều ở Tây Tạng. Tôi bắt đầu nghĩ đến nỗi đau đớn không tưởng tượng nổi mà những người ở đó đang trải qua, và so với điều đó thì những gì tôi đang trải qua chẳng là gì cả, nó chỉ là chuyện nhỏ. Nó sẽ kéo dài trong hai phút, và sau đó sẽ chấm dứt.
Thế nên thay vì nghĩ rằng, “Tội nghiệp cho mình quá, tôi đang khổ sở”, thì tôi đã mở rộng thái độ của mình để nghĩ đến tất cả những người ở Tây Tạng, và nghĩ rằng, “Nỗi khổ mà họ phải chịu đựng thì lớn hơn nhiều so với nỗi khổ nhỏ nhoi này của tôi”, vì vậy nên nỗi khổ của tôi được đưa vào trong một quan điểm hoàn toàn khác. Sau đó, tôi lại nghĩ rằng, “Nguyện cho tất cả những nỗi khổ và đau đớn của họ được đưa vào nỗi đau này trong cái hàm của tôi, và bằng cách giữ bình tĩnh cũng như vui vẻ trong suốt cuộc giải phẫu này, nguyện rằng tôi có thể đem lại sự an lạc đó cho họ.”.
Mặc dù chắc chắn là tôi đã không làm điều đó đúng 100%, nhưng nó đã giúp ích rất nhiều cho việc xử lý tình huống đó. Nếu làm điều đó một cách đúng đắn thì bạn sẽ thật sự muốn cảm nhận nỗi đau của họ, và làm cho cơn đau của bạn trầm trọng hơn. Thành thật mà nói, việc làm điều đó một cách chân thành thì thật sự rất là cao cấp. Bạn có thể nói bằng miệng, nhưng nó không có nghĩa gì cả. Việc thật lòng muốn điều đó xảy ra là một vấn đề khác. Nhưng ít nhất cảm giác lấy đi nỗi khổ của họ và gánh chịu nỗi khổ này là đủ, đối với nỗi khổ của họ, ít nhất là ở cấp độ đó thì việc làm như vậy là khả dĩ.
Tuy nhiên, người ta không nên nhầm lẫn nó với thực tế. Thực tế thì cấp tiến hơn nhiều, bởi vì tâm trạng mà bạn đang phát triển ở đây, đang sử dụng ở đây, là một trong những tâm trạng mà thay vì chiến đấu với nỗi đau thì bạn tự nguyện chấp nhận nó, với sự tự tin rằng bạn có thể đối phó với nó. Nếu bạn thực hiện điều này trên quy mô lớn, đối với nỗi khổ của tất cả mọi người thì dĩ nhiên là bạn có đủ tự tin để chấp nhận và đối phó với nỗi đau của chính mình, không chiến đấu với nó, và không bị nó làm mình hoảng sợ. Vì vậy, nó không phải là một phương pháp kỳ diệu. Nếu bạn phân tích những gì xảy ra với điều này thì nó có ý nghĩa rất lớn.
Xem thêm: Khoa học và tâm linh
Source: https://thevesta.vn
Category: Tâm Linh