KÝ TẢ MỘT BÀI VỀ HÒA THƯỢNG HUỆ LƯU (Huỳnh Ngọc Trảng) – Phật Giáo Bạc Liêu

KÝ TẢ MỘT BÀI VỀ HÒA THƯỢNG HUỆ LƯU

* Huỳnh Ngọc Trảng

Kính thăm Hương chức hai chữ miên trường,

Kể từ tội cư trụ bổn hương,

Tính đã có chín năm đủ vậy.

Thấy trong làng những ai cùng nấy,

Trên thuận hòa dưới cũng thuận hòa,

Nhờ đức xưa lập giáo tề gia,

Nay mới đặng phong thuần mỹ tục.

Bởi làng ta xuất thân nho sĩ,

Cổ phong còn hiệu viết lý nhân.

Ân Tiền hiện tợ hải tợ sơn,

Đức thần thánh như thiên như địa.

Kính cho làng tín thành lễ nghĩa

Xui cho dân hoài đức quới oai.

Chốn non đoài tôi ngụ hôm nay,

Việc am tự nhờ làng chiếu cố.

Tôi cũng muốn dốc lòng bồi bổ,

Có lời nguyền phải gắng ra đi.

Ở trong chùa cúng kiến việc chi,

Chúng tăng thỉnh làng vô nhắc nhở.

Đạo trẻ tôi ấu thơ bợ ngợ,

Xin làng thương đừngchấp mới thương.

Việc thủ thành, nhựt cửu nguyệt trường,

Công sáng tạo ra thân tiểu tử.

Bà lão tôi ký thân bổn tự,

Xin việc làng thương chút mẹ tôi.

Xin đoái thương mấy đoạn khúc nôi,

Lão ngộ lão cập nhơn chi lão.

Tôi cũng nhớ thánh nhơn dạy bảo,

Phụ mẫu tồn bất khả viễn du.

Phận vô chùa theo Phật đi tu,

Câu cát ai tu thân có khác,

Tôi cũng muốn lòng son dạ tạc,

Để trong làng gìn giữ chùa chiền.

Từ tôi đi thầy chú có khuyên,

Mỗi năm phải trở về một độ.

Ý tôi muốn ba năm đủ số,

Đúng lời tăng tử lý thám hoài.

Chức việc làng thương lấy lời tôi,

Nguyện ai nấy ăn chay niệm Phật.

Trước sùng Nho sau là trọng Thích,

Thữ cơ hồ lạc thiện chi hương.

Chúc bổn thân hòa khí trí tường,

Câu lê thứ bình an khương thới.

1. Trên đây là Thư của Hòa thượng Huệ Lưu gởi cho Hương chức làng Linh Chiểu vào năm 1877 mà năm 1998, khi đi đây đó để làm bộ ảnh cho cuộc “Triển lãm 300 năm Phật tượng Gia Định – Sài Gòn” tôi đọc được từ bản sao chép lại trên tường nơi gian thờ Tổ, sau chánh điện chùa Huê Nghiêm (thị trấn Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh). Lúc đó, tôi có dọ hỏi về tiểu sử và hành trang của tác giả lá thư này, song chỉ biết được đôi điều vắn tắt bởi trong câu chuyện trao đổi, tôi bị thu hút vào truyền thuyết kể về bà Nguyễn Thị Hiên – một đại thí chủ hết lòng phò trì Phật pháp, khi chết được đầu thai làm công chúa của một hoàng đế Trung Quốc. Bẵng đi từ đó đến nay và đến đầu năm này, chị dâu tôi ở Cần Đăng (An Giang) gởi biếu chú cuốn “Sám Giãn Người Đời”. Bìa sau có in mấy dòng chữ trong khung hình chữ nhật : 9-49 – IMPRIMERIE THANH MAU 147, Route Colonial No1 – Giadinh. Dépôt légal 3e trimesire 1949 – Autorisation Numero 1242 TXB – du 10 Septemnre 1949 – Numéro d’ impression 18. sách 84 trang gồm 11 cuốn (hiểu l2 bài) từ “Cuốn thứ nhất” đến “Cuốn thứ mười một” và hai bài kệ. Trong nhiều cuốn có nêu tên tác giả là Huệ Lưu.

– Huệ Lưu nào nại công lao,

Khuyên trong nam nữ: đừng xao tấm lòng [C IV, tr. 32]

– Huệ Lưu hết dạ cầu lo

Lưu truyền một bổn, truyền rao dân tường

(.. .) Huệ Lưu ý tứ nào sai,

Đặng cho bá tánh gái trai tu trì [C V, 37]

– Huệ Lưu chẳng kể ăn nằm,

Cầu cho cõi thế khuyên răn bền lòng [ C VIII, 55]

– Huệ Lưu ký tả một bài,

Viễn bang, châu quận hậu lai khán tường

(.. .) Huệ Lưu bút ký tả rồi,

Đặng cho thiên hạ dấu noi để đời [ C X 71]

– Huệ Lưu xét hết cạn sâu,

Mực mài bút ký, quận châu chớ phiền.

(.. .) Huệ Lưu lục tự trao ra,

Cầu cho thiên hạ trẻ già tu thân [C XI, 79]

– Huệ Lưu diễn nghĩa mấy hàng,

Cầu cho già trẻ luận bàn tu thân (Bài kệ 2)

Đến đây, sự việc hiển bày rõ ràng rằng Huệ Lưu vừa Hòa thượng trụ trì chùa Huê Nghiêm (Thủ Đức) vừa là tác giả một số bài sám giảng trong tập sách “Sám giản Người Đời”

2. Trên bìa sách Tì nì, Sa di oai nghi cảnh sách in mộc bản năm Giáp Ngọ (1894) có ghi “Giác Viên lang nhã Thiền hòa Hoằng Ân tỉnh nghĩa/ Huê Nghiêm thiền viện, Tỳ kheo Huệ Lưu sao lục”. Mộc bản của cuốn sách được dùng làm “giáo tài khảo thí” của tăng chúng Nam bộ hồi đầu thế kỷ  XX này hiện còn lưu giữ ở chùa Giác Viên (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh). Tôi đến đây và được thầy Huệ Viên, trụ trì chùa Giác Viên cho coi tận mắt mấy chục tấm gỗ khắc chữ và được thầy cho biết : Hòa thượng Huệ Lưu vốn quê ở làng Nhựt Tảo (Long An) sinh vào khảong giữa thế kỷ XIX và từ nhỏ đã xuất gia tu học ở chùa Giác Viên. Hòa thượng Huệ Lưu thọ giới qui y với Hòa thượng Minh Khiêm – Hoằng Ân, dốc chí tu học và giữ giới luật tinh nghiêm, giỏi cả về Phật pháp và Hán văn. Sau đó, ông được cử về làm trụ trì chùa Huê Nghiêm (Thủ Đức). Cứ theo câu “Kể từ tôi cư ngụ bổn hương/ tính đã có chín năm đủ vậy” trong thư gởi cho Hương chức làng Linh Chiểu năm 1897 nói trên thì Tì kheo Huệ Lưu làm trụ trì chùa Huê Nghiêm vào khoảng trước sau năm 1888 và sau đó chừng 6, 7 năm vì đã có lời nguyện, Hòa thượng Huệ Lưu rời chùa đi vân du hoằng hóa đạo pháp ở vùng Thất Sơn – Bảy Núi: “Ý tôi muốn ba năm đủ số”.

Sau khi hoàn thành “lời nguyền phải gắng ra đi”, Hòa thượng Huệ Lưu trở về chùa Huê Nghiêm. Tục truyền, sau một thời gian ngắn, Hòa thượng Huệ Lưu nhập thất tu thiền. Lúc bấy giờ trong bổn đạo ở làng Linh Chiểu có cô gái con ông Cai tổng đem lòng thầm yêu trộm nhớ, cố tìm mọi cách để được gặp mặt Hòa thượng Huệ Lưu, nhưng Hòa thượng chí quyết không tiếp. Hôm nọ, nhân lúc đem cơm vào thất : Hòa thượng Huệ Lưu đưa tay ra nhận phần cơm thì cô gái nọ nắm lấy vay của Hòa thượng hôn lấy hôn để. Đêm đó, Hòa thượng Huệ Lưu tự thiêu, để lại bài kệ:

Chẳng đợi vô thừơng rước đến ta

Quyết lòng tránh khỏi cửa Diêm La

Mừng nay chim cá dầu bay nhảy,

Nò lưới rãnh rơi rộng lãng xa

Long vị thờ ở tổ đường chùa Huê Nghiêm ghi :”Trùng kiến Huê Nghiêm đường thượng. Từ Lâm Tế chánh tông, tam thập bát thế, húy Đạt Lý, thượng Huệ hạ Lưu chi vị”. Điều này cho chúng ta biết thêm : khi trụ trì ở đây, Hòa Thượng đứng ra tái thiết chùa Huê Nghiêm – một trong các cổ tự của vùng đất Gia Định – Sài Gòn.

3. Danh xưng trong các bài sám giảng (và bài kệ) của sách “Sám Giãn Người Đời” không thống nhất, có lúc là Huệ Lưu (ở các quyển IV, V, VIII, X, XI và bài kệ thứ hai như đã dẫn trên), có lúc là Sư Vãi, Sư Vãi Bán Khoai :

– Thương thay ông Lão Bán Khoai,

Lên non xuống núi hôm nay dạy đời.

Thân sao nay đổi mai dời,

Xóm kia làng nọ khổ thôi thân già ( C III, 23)

– Rủ nhau niệm Phật từ bi,

Cứ lo niệm Phật tụng kinh cho bền.

Thì là trần hạ khỏi nàn,

Cảm thương Sư Vãi nay mai đi hoài.

Đi cho đến nỗi đất chai,

Đi đâu dạy đó chẳng nài lao thân.

Người đã hết dạ ân cần,

Già trẻ sao chẳng tu thân mà nhờ.

Nghe qua rồi lại làm ngơ,

Ngày sau chẳng khác chỉ tơ rối cuồn.

Làm sao mà giữ cho suông,

Cậy ông Sư Vãi gỡ cuồng mở cho. ( C VI, 41)

– Hạ ngươn như sợi chỉ mành,

Sao không tu niệm tranh dành làm chi.

Phật, Trời, Tiên, Thánh sầu bi,

Cậy ông Sư Vãi mau đi giáng trần.

Sư Vãi vội vả ân cần,

Đi hết khắp bốn cõi trần giảng khuyên. ..

(.. .) Tôi là ông Sãi bán khoai,

Bán gạo ông Chưởng ai ai cũng lầm.

(.. . ) trở về núi Cấm non Bồng bấy lâu.

Rồi tôi qua tới bên Tàu,

Bây giờ trở lại An Giang, Nam Thành.

Tôi đâu có nại nhọc nhằn,

Cầu cho ai nấy làm lành tu thân  [C IX, 56 – 57]

Chính sự không thống nhất về danh xưng/ tên tác giả trong các bài sám giảng in trong “Sám Giãn Người Đời” như vậy nên hậu thế, không ít người đã giả thiết, thậm chí khẳng định Sư Vãi Bán Khoai là danh xưng của Hòa Thượng Huệ Lưu trong khoảng thời gian hòa thượng vân du vùng Thất Sơn – Bảy Núi.

Đọc Thất Sơn mầu nhiệm của Dật Sĩ và Nguyễn Văn Hầu (Nxb Từ Tâm, tái bản có bổ khuyết từ ấn bản lần thứ nhứt/ 1955) thì ông Sư Vãi Bán Khoai là người đầu thế kỷ XX : Tên thật là Mỹ, họ gì không rõ. Quê quán và lai lịch hỏi không ai biết. Ông có vợ sanh được hai con và thường đến Vĩnh Gia thuộc kinh Vĩnh Tế (Châu Đốc). Hình dạng ông nhỏ, bé, ốm yếu như người đàn bà, trước ngực thường mang cái yếm, xa trông giống hệt một cô vãi. Lại nữa ông trị bệnh cho đời hay dùng vải áo, vải khăn của mình mà cho. Nhân thế, người ta đặt ông tái biệt danh là Ông Sư Vãi(.. .) vào khoảng năm Tân Sửu (1901) và Nhâm Dần (1902), ông thường giả dạng thường dân đi bán khoai ở xứ Cao Miên và trong kinh Vĩnh Tế để tùy cơ duyên khuyến thiện người đời. Thấy vậy người đời mới quen gọi ông là Ông Sư Vãi Bán Khoai (.. .) chỉ nội trong khoảng hai năm Tân Sửu và Nhâm Dần, người ta còn thấy ông vân du để giáo dục người đời. Nhưng từ đó về sau, không ai còn biết ông nữa. Ông để lại một bổn “Sấm Giảng Người Đời” (11 quyển) với mục đích dạy người làm lành lánh dữ và trung nghĩa vơi Tổ quốc giang sơn. Bổn sấm giảng ấy ngày nay vẫn còn truyền tụng (Lược trích từ trang 101 – 104)

Những dữ liệu của các tác giả Thất Sơn mầu nhiệm đưa ra trên đây có một số điểm cần xem xét lại. Song điều đáng lưu ý nhất ở đây: Nếu ông Sư Vãi Bán Khoai là một người tên Mỹ, khác với Hòa thượng Huệ Lưu thì Sư Vãi Bán Khoai không là tác giả toàn bộ 11 bài (cuốn) của tập “Sám Giãn Người Đời”. Bởi như đã nêu ở phần trên, chúng ta thấy: 1/ có 4 cuốn không nêu tên tác giả (I, II, VII và XI); 2/ 5 cuốn nêu tên Huệ Lưu (IX, V, VIII, X, XI) và một bài Kệ; và 3/ Tên ông Sư Vãi / Bán Khoai chỉ thấy tên trong 3 cuốn (III, VI, IX). Theo đó, “Sám Giãn Đời người” là một sưu tập các bài sám giảng xưa của nhiều tác giả sáng tác trong khoản nửa cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỳ XX. Ở cuốn thứ III, có câu “Đừng xem hát bộ, cải lương/ Để sau coi hát của Vương Minh Hoàng. Cải lương là thói điếm đàng/ Hát bộ diễu xóm, diễu làng xưa nay” [III, 23] cho thấy bài Sám Giãn này ra đời sau khi ca kịch cải lương đã thịnh hành (1917: Lương Khắc Ninh diễn thuyết đề tài : “Cải lương hí nghệ”; sau đó, 11/9/1917, vợ kịch mô phỏng hài phương Tây “Vì nghĩa quên nhà” công diễn, báo hiệu sự ra đời của cải lương ; 1922 : thầy Năm Tú lập gánh hát “Thầy Năm Tú” ở Mỹ Tho; gánh hát cải lương đầu tiên ra đời), tức sau cái mốc Tân Sửu (1901) – Nhâm Dần (1902), theo các tác giả Thất Sơn mầu nhiệm, đó là thời điểm ông Sư Vãi Bán Khoai không “vân du để giáo dục người đời” – tức ông không sáng tác Sám Giãn nữa. Nói cách khác, cuốn Sám Giãn thứ III này là sáng tác của một tác giả khác. Không phải là của ông Sư Vãi Bán Khoai. Đây là một “bằng chứng” xác định “Sám Giãn Người Đời” là một sưu tập sám giãn của nhiều tác giả, trong đó có ít nhất 5 tác phẩm của Hòa thượng Huệ Lưu.

4. – Sám giảng là thể loại văn học đặc biệt của các đạo thuộc trào lưu tôn giáo cứu thế ở Nam Bộ: Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Hòa Hảo. . .Tên gọi Sám Giảng vốn được gọi là Sấm vãn. Sấm: lời dự đoán có tính chất bí ẩn về một sự kiện lớn trong tương lai (Ví dụ: Sấm Trạng Trình). Vãn: một thể thơ cổ, song ở Nam Bộ thường gọi chung là Vè vãn (hiểu l2 vè, được thể hiện bằng các thể văn vần: vãn ba, vãn tư, vãn năm. . .tức mỗi câu có 3, 4 hay 5 từ) và đặc biệt phổ biến, gọi truyện thơ nôm lục bát là vãn (Vãn: chuyện đặt có ca vần/ Đại nam quốc âm tự vị tr. 538). Chính vì vậy, Sám giảng là các thể loại văn học mang cả hai thuộc tính sấm (lời dự đoán/ tiên tri) và vãn (thơ lục bát). Tất nhiên, khi được gọi là Sám giảng, thể loại văn học này, cũng được hiệu theo tầng ngữ nghĩa mang màu sắc Phật giáo; Sám (nói đủ là sám ma/ ksama) nghĩa là mong được tha tội và Giảng có nghĩa là giảng thuyết (kinh kệ) cho mọi người nghe. Rõ ràng, việc gọi là Sám giảng đã làm mờ đi bản chất của loại sáng tác vốn có chức năng truyền tải những dự đoán tương lai, sáng tác  vào thời đoạn đang diễn ra cuộc đụng đầu lịch sử mà kết quả là nghĩa quân thất trận và nông dân mất ruộng – một xáo trộn dữ dội và mất mát to lớn. Hiện thực lịch sử đó tự nó hiển bày ra một thực trạng rất tương đồng với tín lý về thời Hạ ngươn Mạt pháp vốn đã được rao giảng như một điều tiên tri từ giữa thế kỷ XIX và âm ỉ trong tâm thức mãi về sau. Giờ đây, cảnh nước mất nhà tan, chiến tranh, dịch bệnh và những xung đột văn hoá, tôn giáo ngoại lai với đạo nhà (tổng thể Tam giáo) là đối lập thiện ác, chính – tà. Ở đó, nỗ lực bảo vệ phong hóa truyền thống trở thành chính nghĩa và cũng là biểu thị cho lòng trung quân ái quốc đối kháng với thực dân và bọn xu thời “chia rượu chát, phát bánh mì/ quăng vùa hương, xô bàn độc” (Nguyễn Đình Chiểu: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, 1861). Đó là xu hướng tư tưởng chính của các bài Sám giảng thời bấy giờ, trong đó “Sám giảng Người Đời” là những tác phẩm tiêu biểu.

Hòa thượng Huệ Lưu rời chùa Huê Nghiêm vân du đến trung tâm các phong trào tôn giáo cứu thế Thất Sơn bảy Núi vào những năm cuối cùng thế kỷ XIX, tức lúc các phong trào yêu nước dưới ngọn cờ Văn thân, Cần vương đã bị thực dân dập tắt hầu như hoàn toàn và thực dân Pháp đã bắt đầu chính sách khai thác thuộc địa lần thứ nhất, tức xã hội Việt Nam đã khởi đầu sự chuyển đổi từ xã hội khép kín của di sản và truyền thống sang một xã hội mới mở rộng của thời thượng và sự chọn lựa. Ở thời điểm đó, đây là một cú sốc và sự đối kháng văn hóa, tất nhiên là phải nổ lực bảo tồn truyền thống: hoài niệm và hướng đến thời vàng son của triều đại minh quân thánh chúa (gọi là Minh Vương/ Minh Vương Hoàng) trong tương lai, bảo tồn các chuẩn mực, luân lý truyền thống (hiếu để, cương thường), lẽ công bình theo  luật nhân quả và hạnh phúc của vận hội Thương ngươn (thượng nguyên) mới sắp mở ra sau khi thời Hạ ngươn / Mạt pháp này kết thúc.

Hòa thượng Huệ Lưu đã rời chùa đến hành đạo ở đó. Không biết Hòa thượng Huệ Lưu trước đó, có quan hệ gì đến phong trào kháng Pháp dưới ngọn cờ của các phong trào tôn giáo cứu thế này không, nhưng trong Sám giảng của mình, Hòa thượng đã tự coi mình như một ông Đạo, đấng từ cõi trên giáng đời để truyền đạt những thông điệp tiên tri.

Tôi nay vưng lịnh Phật Trời,

Rao cho thiên hạ dưới đời đặng hay.

Cuộc đời đời các tỏ bày,

Dữ lành đâu có nào sai đâu là.

Tự lòng trai gái trẻ già,

Tu hành : tai nạn lánh xa nào gần.

Hiếu cha, trung chúa sự thân,

Bất trung bất hiếu thì thân chẳng toàn.

Trai gái dâm dục nào an,

Gái không tiết hạnh lăng loàn tả tơi.

Ở sao vẹn vẽ vậy thời,

Trai giữ trung hiếu, gái gìn tiết trinh.

Không tu cũng thấy thiên đình,

Tu mà lang chạ, Phật Trời đâu dung.

Thánh thần ghét kẻ bất trung,

Ghét đứa thất tiết, ghét loài thất phu.

Ghét đứa dối thế rằng tu,

Ghét lũ làm biếng cạo đầu ẩn thân.

Dối gian quyên tới của người,

Đem về ăn uống vui cười nghinh ngang [ XI, 76]

Ở các  thông điệp tiên tri đó, rất nhiều thông tin đậm tính thời sự, ở đó cho thấy không chỉ nhằm khuyến thiện giới ác mà còn bộc lộ nỗi niềm ưu thời mẫn thế, sự lo toan cho vận mệnh Tổ quốc.

Hạ ngươn lục thập nhứt thiên [86],

Thầy đã về cõi Tây phương ẩn mình.

Ất Sửu (1865) phiên quốc chiến tranh,

Qua năm Đinh Mão (1867), Nam Đình giao ngôi.

Hàm Nghi thất quốc thương ôi,

Qua nơi Tây Bắc lánh vòng gian nan.

Các vì quan trấn thở than,

Lên  non ẩn sĩ cho an một bề [IV, 23 – 24]

Nói chung, dưới cái nhìn thời cuộc theo lẽ biến dịch, xác tín rằng việc đất nước bị thực dân thôn tính, nhân dân bị lầm than là do cơ trời xoay đổi chuyển qua thời hạ ngươn: có nhiều người hư hỏng, không duy trì đạo lý vốn có. Tuy nhiên, trong các diễn giải một “mạt thế luận” với những sự trừng phạt gớm ghê, ở đó luôn hướng về một niềm tin tốt đẹp.

Tam ngươi nay sắp hết rồi,

Phật, Trời hội nghị lập đời Thượng ngươn.

Truyền giao khắp hết thế gian,

Thành tâm tu niệm khỏi cơn hiểm nghèo.

Rõ ràng là bằng những bài Sám giảng, Hòa thượng Huệ Lưu đã thể hiện công việc “dĩ huyễn độ chơn”, khế hợp với căn duyên của bá tánh ở không gian văn hóa đó vào thời điểm lịch sử đó. Trong lịch sử Phật giáo Nam bộ, từ thời khai hoang đã có những mhà sư xắn tay áo đánh cọp, cầm dao, cầm cuốc phá rừng, khai hoang, tu kiều bồi lộ. Họ cũng có mặt trong công cuộc chống Pháp, trong cuộc nổi dậy của Phan Công Hớn (Hóc Môn). . .và sự dấn thân của Hòa thượng Huệ Lưu, tuy còn những điều chưa có thể làm rõ, nhưng những bài Sám giảng này cũng đã chỉ ra chí nguyện và cách thức thực hành chí nguyện của Hòa thượng. Đến nay, với cái nhìn lịch sử, những nỗ lực “dĩ huyễn độ chơn” quả rất đáng trân trọng và để lại cho thế hệ hậu bối một bài học về việc tu học, hành độ. Trong thế cuộc đen tối và bế tắc người cố giữ lửa cho ngọn đèn pháp, thật đáng kính vậy.

Thấy đời tôi lại sầu tây,

Đêm nằm nước mắt chảy ngay lưng tròng.

Cảm thương thiên hạ long đong,

Phải chi bá tánh một lòng như tôi

Như cây khô đã nứt chồi,

Tu nhơn tích đức: Phật trời mến thương.a

Cõi trần ít kẻ hiền lương,

Cho nên lộn lạo âm dương vậy mà !

Có tu Phật độ an hòa,

Lung lăng ma quỉ vào ra liền liền [X, 69 – 71]

Đọc đoạn trích trên, tất cả chúng ta thấy điều trăn trở chất chứa trong lòng của tác giả “ Huệ Lưu bút ký tả rồi ”. Ông trở lại chùa Huê Nghiêm sau khi đã thực thi xong “ lời nguyền ” và rồi … an nhiên thị tịch trong ngọn lửa tự mình đốt lên, chẳng đợi quỉ Vô thường đến rước .

Source: https://thevesta.vn
Category: Phật Pháp