CHĂM SÓC BỆNH NHÂN SUY TIM

1. Định nghĩa:

Suy tim là tình trạng bệnh lý trong đó chức năng co bóp của cơ tim không đủ đáp ứng nhu cầu của cơ thể về mặt oxy và dinh dưỡng.

2. Nguyên nhân:

Suy tim là hậu quả của nhiều bệnh tim mạch, hô hấp và toàn thân khác.

Các nguyên nhân thường gặp là:

– Tăng huyết áp (gây suy tim trái).

– Vữa xơ động mạch vành và vữa xơ động mạch.

– Các bệnh van tim.

– Bệnh phổi, phế quản mạn tính như VPQ mạn, khí phế thũng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

– Tràn dịch màng ngoài tim và viêm dầy dính màng ngoài tim.

3. Triệu chứng:

Về mặt huyết động suy tim gây nên 2 hậu quả:

– Giảm lượng máu từ tim tới các cơ quan tổ chức (giảm cung lượng tim dẫn đến giảm tưới máu tổ chức).

– ứ trệ tuần hoàn ngoại biên (tích dịch trong cơ thể).

Các triệu chứng của suy tim cũng chủ yếu xuất phát từ 2 hậu quả này

3.1. Các triệu chứng chính:

– Mệt nhọc do giảm cung lượng tim (giảm tưới máu tổ chức).

– Tim đập nhanh (đáp ứng với tình trạng giảm cung lượng tim), có thể loạn nhịp tim.

– Khó thở với nhiều mức độ: Có thể là khó thở khi gắng sức; có thể khó thở cả khi nằm nghỉ hoặc có cơn khó thở kịch phát về đêm (chủ yếu do ứ huyết phổi).

– Ho và có thể ho ra máu do tăng áp lực tuần hoàn phổi.

– Tím môi, tím đầu chi hoặc tím toàn thân.

– Gan to, tĩnh mạch cổ nổi, dấu hiệu phản hồi gan – tĩnh mạch cổ dương tính.

– Phï, cã thÓ phï 2 ch©n thËm chÝ phï toµn th©n vµ trµn dÞch c¸c mµng. (Th­êng ®i kÌm víi sè l­îng n­íc tiÓu rÊt Ýt ).

– áp lực tĩnh mạch trung tâm tăng cao ( > 10 cm nước ), áp lực tĩnh mạch ngoại biên tăng. 

– X- quang: Hình tim to hơn bình thường có khi lấn gần hết trường phổi.

– Điện tâm đồ: Có các biểu hiện dầy tâm thất, dầy tâm nhĩ…

Hiện nay dựa vào siêu âm tim – một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hết sức hữu ích, giúp đánh giá rất hiệu quả tình trạng tổn thương tim và mức độ suy tim.

3.2. Triệu chứng theo thể suy tim:

Tùy theo nguyên nhân gây suy tim mà người bệnh có thể suy tim trái hay suy tim phải là chính.

– Nếu suy tim trái là chính các triệu chứng nổi bật sẽ là: Khó thở, tim đập nhanh, mệt nhiều, tim trái to.

– Nếu suy tim phải là chính các triệu chứng nổi bật sẽ là: Phù, tím, gan to, tĩnh mạch cổ nổi to.

– Nếu là suy tim toàn bộ người bệnh sẽ có các triệu chứng của suy tim phải và trái.

4. Điều trị suy tim:

4.1. Nguyên tắc điều trị:

– Giảm gánh nặng làm việc cho tim bằng chế độ nghỉ ngơi.

– Tăng sức co bóp cơ tim bằng các thuốc trợ tim.

– Giảm ứ máu ngoại biên bằng chế độ ăn nhạt, thuốc lợi tiểu, thuốc giãn mạch.

– Giải quyết nguyên nhân: Điều trị tăng HA, sửa chữa van tim hoặc thay van tim…

4.2. Một số thuốc điều trị suy tim:

* Thuốc trợ tim :

– Tác dụng: Làm cho tim đập mạnh, chậm và đều hơn.

– Thuốc thường dùng:

+ Digoxin: ống tiêm 0,5 mg

Viên uống 0,25 mg

Liều dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ 

+ Lanatosid C ( Cedilanide, Isolanid ):

ống tiêm 0,4 mg

Viên uống 0,25 mg

Liều dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ

– Lưu ý: Thuốc dễ gây độc đặc biệt là làm chậm nhịp tim, rối loạn dẫn truyền hoặc loạn nhịp tim nên không được dùng kéo dài, tràn lan.

* Thuốc lợi tiểu:

– Tác dụng: Thải muối và nước làm giảm bớt ứ trệ tuần hoàn.

– Thuốc thường dùng:

+ Nhóm thải trừ Kali:

. Furosemit: ống tiêm 0,02 gam. Viên uống 0,04 gam

. Hypothiazit: Viên uống 0,025 gam.

+ Nhóm không thải trừ Kali:

. Spironolacton (BD: Aldacton, Diatensec…) viên uống 50 mg, 75 mg hoặc 100 mg.

– Lưu ý: Khi dùng lợi tiểu thải trừ Kali phải đề phòng hạ Kali máu và bù Kali cho bệnh nhân. Nên dùng thuốc vào buổi sáng để tránh mất ngủ vì đái đêm.

* Thuốc giãn mạch:

– Tác dụng: Gây giãn các tĩnh mạch (làm giảm tiền gánh cho tim) hoặc giãn các động mạch (làm giảm hậu gánh cho tim) hoặc cả hai.

– Thuốc thường dùng:

+ Nhóm Nitrat: 

. Risordan viên 5 mg.

. Lenitral viên 2,5 mg.

+ Nhóm ức chế men chuyển:

. Captopril viên 25 mg; 50 mg

. Enalapril viên 5 mg; 10 mg ( BD: Renitec, Ednyt…)

. Perindopril viên 4 mg ( BD: Coversyl )

– Lưu ý: Thuốc gây hạ huyết áp, không nên dùng ở bệnh nhân suy tim có huyết áp tâm thu quá thấp (dưới 90 mmHg).

5. Chăm sóc:

5.1. Nhận định chăm sóc:

Trọng tâm của việc nhận định chăm sóc là thu thập tất cả các thông tin từ người bệnh và thăm khám thực thể để tìm nguyên nhân gây suy tim và nhất là các biểu hiện của tăng gánh nặng cho tim như: Tim đập nhanh, khó thở, tím, ho, tĩnh mạch cổ nổi, gan to, phù…

5.2. Chẩn đoán chăm sóc:

Từ các thông tin thu được qua nhận định chăm sóc, các chẩn đoán chăm sóc chính ở bệnh nhân suy tim có thể là:

– Giảm cung lượng tim (giảm tưới máu tổ chức) do giảm chức năng bơm của tim.

(Dựa vào các dấu hiệu: Mệt nhọc, tim đập nhanh hoặc loạn nhịp tim, HA tâm thu giảm, đái ít …)

– Giảm trao đổi khí ở phổi do ứ huyết ở phổi.

(Dựa vào các dấu hiệu: Khó thở nhanh, nông, tím, ran ẩm ở phổi…)

– Tăng tích dịch trong cơ thể do ứ trệ tuần hoàn ngoại biên.

(Dựa vào các dấu hiệu: Tăng cân đột ngột hoặc phù, tĩnh mạch cổ nổi to, gan to, áp lực tĩnh mạch tăng )

– Bệnh nhân thiếu kiến thức về bệnh và không biết cách tự chăm sóc.

5.3. Lập kế hoạch chăm sóc:

Các mục tiêu cần đạt được |à:

– Người bệnh sẽ cải thiện được tưới máu tổ chức.

– Người bệnh sẽ cải thiện được trao đổi khí ở phổi.

– Người bệnh sẽ đạt được trạng thái cân bằng dịch (giảm ứ trệ TH ngoại biên).

– Người bệnh sẽ hiểu về bệnh và biết cách tự chăm sóc.

5.4. Thực hiện chăm sóc:

* Cải thiện tưới máu tổ chức bằng các biện pháp:

– Để người bệnh nằm nghỉ, tránh các hoạt động gắng sức.

(Tuy nhiên cần khuyên NB vận động nhẹ nhàng các chi để phòng biến chứng tắc mạch)

– Thực hiện y lệnh thuốc trợ tim.

(Chú ý theo dõi tần số tim và tác dụng phụ của thuốc)

– Thực hiện y lệnh thuốc giãn mạch

(Chú ý theo dõi huyết áp và tác dụng phụ của thuốc).

* Cải thiện trao đổi khí ở phổi bằng các biện pháp :

– Cho người bệnh nằm nghỉ ở tư thế nửa ngồi.

– Nếu người bệnh có cơn khó thở kịch phát về đêm thì ngay từ đầu tối khuyên người bệnh nằm ngủ ở tư thế nửa ngồi.

– Thực hiện y |ệnh thuốc lợi tiểu. Chú ý cho NB uống vào buổi sáng để tránh mất ngủ do đái đêm. Theo dõi các biểu hiện thiếu Kali máu và khuyến khích người bệnh ăn các loại rau quả chứa nhiều Kali.

– Cho người bệnh thở oxy khi có y lệnh.

* Đảm bảo trạng thái cân bằng dịch, giảm ứ trệ tuần hoàn ngoại biên bằng các biện pháp:

– Khuyến khích người bệnh nằm nghỉ nhiều.

– Thực hiện y lệnh thuốc lợi tiểu (chú ý bù Kali).

– Khuyên người bệnh không ăn mặn, hạn chế nước uống.

– Theo dõi lượng nước tiểu hàng ngày.

* Giáo dục sức khoẻ:

– Giáo dục cho người bệnh hiểu về suy tim bao gồm nguyên nhân gây suy tim, các biểu hiện của suy tim và cách điều trị suy tim.

– Loại bỏ tất cả các hoạt động gắng sức (nếu là phụ nữ thì không sinh đẻ khi đã suy tim). Tránh hoặc hạn chế đến mức tối đa các sang chấn.

– Thuyết phục người bệnh điều trị suy tim suốt đời theo đơn của thầy thuốc.

– Thuyết phục người bệnh duy trì chế độ ăn hạn chế muối suốt đời, nên ăn bữa nhỏ, nhiều bữa, chọn thức ăn dễ tiêu, không dùng các chất kích thích tim mạch (thuốc lá, bia, rượu…).

– Cần đến thầy thuốc khám ngay khi thấy xuất hiện 1 trong các dấu hiệu sau:

+ Khó thở nhiều.

+ Tăng cân đột ngột.

+ Ho kéo dài.

+ Đau ngực.

+ Thay đổi tần số tim từ 20 lần / phút trở lên.

5.5. Đánh giá chăm sóc:

Người bệnh có đạt được các mục tiêu chăm sóc đã đề ra không?

– Cải thiện được tưới máu tổ chức ?

Dựa vào: NB đỡ mệt, HA tâm thu ở mức bình thường, tần số và nhịp tim về bình thường, lượng nước tiểu tăng…

– Cải thiện được trao trao đổi khí:

Dựa vào: NB đỡ hoặc hết khó thở, đỡ hoặc hết tím, hết ran ẩm ở phổi…

– Đạt được cân bằng dịch:

Dựa vào: NB giảm cân, hết phù, gan thu nhỏ lại…

– NB tuân thủ chế độ điều trị suốt đời theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Source: https://thevesta.vn
Category: Sức Khỏe