Phân biệt viêm lưỡi bản đồ và ung thư lưỡi

Viêm lưỡi bản đồ và ung thư lưỡi là một trong các bệnh lý thường hay gặp ở khoang miệng. Trên lâm sàng, đây là hai bệnh lý hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, do biểu hiện trên mỗi bệnh nhân là khác nhau nên đôi khi vẫn có sự nhầm lẫn trong chẩn đoán. Vậy làm sao để phân biệt được viêm lưỡi bản đồ với ung thư lưỡi?

1. Viêm lưỡi bản đồ

Viêm lưỡi bản đồ là một rối loạn xảy ra trên bề mặt vùng lưỡi, do virus gây nên. Đây là một bệnh lý lành tính, không gây nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ cũng như người bị bệnh. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đôi khi cũng có thể gặp viêm lưỡi bản đồ ở người lớn.

Biểu hiện lâm sàng:

  • Tổn thương đặc trưng xuất hiện trên bề mặt lưỡi những vệt màu trắng đan xen nhau như hình bản đồ nên bệnh được gọi là viêm lưỡi bản đồ, hoặc có thể xuất hiện tổn thương dạng đám, mảng đỏ có viền trắng bao quanh, ranh giới rõ. Hình dạng, vị trí và cả kích thước tổn thương có thể thay đổi khác nhau ở mỗi ngày.
  • Không có nhú lưỡi.
  • Vị trí: thường gặp ở đầu lưỡi hay ria lưỡi.
  • Bệnh không gây đau, không gây khó chịu cho trẻ. Cảm giác đau có thể xuất hiện khi ăn các đồ cay nóng, mặn.

Trên lâm sàng, viêm lưỡi bản đồ dễ bị chẩn đoán nhầm với tưa lưỡi, lưỡi lông, đôi khi nhầm với ung thư lưỡi ở giai đoạn đầu.

Viêm lưỡi bản đồ có thể tồn tại từ vài tháng đến vài năm rồi tự khỏi mà không cần điều trị gì, hoặc cũng có những trường hợp bệnh tồn tại cả đời. Tuy nhiên, ở những trường hợp bị nặng có thể gây viêm loét vùng lưỡi dẫn tới cảm giác đau, ảnh hưởng đến các hoạt động của khoang miệng đặc biệt là ăn uống. Khi viêm lưỡi bản đồ không tự khỏi trong vòng 7 – 10 ngày thì nên cho trẻ đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị đúng cách.

Viêm lưỡi bản đồ

Điều trị viêm lưỡi bản đồ chủ yếu liên quan đến chế độ chăm sóc vệ sinh:

  • Nên vệ sinh miệng cho trẻ thường xuyên bằng nước muối 0,9% hay các loại nước súc miệng theo chỉ định của bác sĩ, có thể chải lưỡi bằng bàn chải mềm.
  • Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, cho trẻ uống đủ nước.
  • Điều trị các vấn đề khác như viêm răng lợi, viêm VA, viêm amidan… theo chỉ định của bác sĩ.
  • Đối với viêm lưỡi bản đồ ở người lớn, lưu ý thêm vấn đề chế độ thói quen sinh hoạt: không uống rượu bia, không hút thuốc lá.

2. Ung thư lưỡi

Ung thư lưỡi cũng là một bệnh lý dễ xảy ra ở khoang miệng. Nhưng xét về tính phổ biến thì hay gặp viêm lưỡi bản đồ hơn.

Khác với viêm lưỡi bản đồ, ung thư lưỡi được xếp vào một trong những bệnh lý ác tính, có năng lực lây lan và di căn đến những bộ phận khác gây ảnh hưởng tác động nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất người bệnh .

Ung thư lưỡi cũng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu gặp ở những người trên 40 tuổi nhất là những người có tiền sử hút thuốc lá, uống rượu bia thường xuyên. Từ nghiên cứu các con số thống kê trên lâm sàng cho thấy, có tới 70 – 80% bệnh nhân bị ung thư lưỡi là những người nghiện rượu.

Ngoài ra bệnh còn có thể xảy ra ở những người có yếu tố di truyền, hay tiếp xúc với phóng xạ hay do nhiễm virus HPV.

Biểu hiện lâm sàng của ung thư lưỡi: ở giai đoạn đầu gần như không có dấu hiệu gì, bệnh thường biểu hiện khi đã ở các giai đoạn muộn:

  • Đau lưỡi: đây là triệu chứng sớm của bệnh, đau tăng khi nhai hay hoạt động lưỡi.
  • Tổn thương: trên bề mặt lưỡi có các mảng màu trắng bám chặt vào lưỡi, mảng này có dấu hiệu tăng sinh theo thời gian. Một số trường hợp nặng có thể kèm theo dấu hiệu chảy máu mà không liên quan đến vết xước hay tổn thương khác.
  • Vị trí: thường gặp ở bên hông lưỡi.
  • Có thể kèm theo cảm giác đau họng, miệng hôi khó chịu.
  • Ở những bệnh nhân giai đoạn muộn, khi ung thư lưỡi đã di căn sang các bộ phận khác thì có thể thấy các triệu chứng của các bộ phận bị bệnh khác kèm theo.

Ung thư lưỡi

Ung thư lưỡi nếu như không được điều trị và kiểm soát thì không thể tự khỏi mà tiến triển dần theo 5 giai đoạn:

  • Giai đoạn khối u: là giai đoạn sớm, biểu hiện lâm sàng chưa rõ ràng, có thể can thiệp điều trị được.
  • Giai đoạn bạch huyết: ở giai đoạn đầu chưa xuất hiện các tế bào ung thư trong hệ bạch huyết nhưng dần dần khi bệnh tiến triển, các tế bào ung thư sẽ xâm nhập vào hệ bạch huyết rồi từ đó lây lan nhanh hơn.
  • Giai đoạn di căn: các tế bào ung thư phát triển lây lan và di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể.
  • Giai đoạn ung thư nặng: có nguy cơ tử vong cao, khó điều trị.

Ung thư lưỡi không giống như viêm lưỡi bản đồ, bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời để có thể duy trì sức khỏe cho bệnh nhân. Hiện nay có 3 phương pháp chính để điều trị ung thư lưỡi:

  • Phẫu thuật: áp dụng điều trị với ung thư giai đoạn đầu.
  • Xạ trị: áp dụng với những bệnh nhân không đáp ứng điều trị bằng phương pháp phẫu thuật hay những bệnh nhân ung thư ở giai đoạn cuối.
  • Hóa trị liệu: có thể kết hợp với 2 phương pháp trên để điều trị ung thư, áp dụng cho những bệnh nhân không có chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u.

Tóm lại, ung thư lưỡiviêm lưỡi bản đồ đều là các bệnh lý hay gặp. Tuy nhiên, trên lâm sàng cả hai bệnh lý này đều khác nhau cả về biểu hiện lâm sàng, nguyên nhân gây bệnh cũng như phương pháp điều trị. Nếu thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số (phím 0 để gọi Vinmec) hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!

Source: https://thevesta.vn
Category: Bản Đồ